Đây là điểm nhấn nổi bật được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá và ghi nhận tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III, tổ chức trọng thể ngày 29/9/2020 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tập thể, cá nhân người lao động ngành Công Thương đã đạt được trong 5 năm qua
Công nghiệp, thương mại giữ vững trụ cột của nền kinh tế
Báo cáo những kết quả mà phong trào thi đua yêu nước đã đạt được trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Những thành công của ngành đã khẳng định sự rèn luyện và trưởng thành không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Công Thương trong gần 70 năm qua”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các phong trào thi đua yêu nước của ngành đã mang lại những hiệu quả thiết thực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Đại hội
Báo cáo tại Đại hội do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trình bày cho thấy, giai đoạn 2016 – 2020 kết quả nổi bật và ấn tượng nhất chính là lĩnh vực công nghiệp và thương mại đều phát huy vai trò trụ cột của nền kinh tế. Cụ thể, tăng trưởng sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 duy trì với tốc độ cao, bình quân trên 8%/năm. Sự phát triển của các ngành điện, than, dầu khí đều có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp được củng cố, tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 30% GDP và cũng là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 duy trì với tốc độ cao, bình quân 8%/năm; cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng ngành khai khoáng, phù hợp với tái cơ cấu ngành.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng báo cáo tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua, phương hướng nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng 5 năm tới của ngành Công Thương
Thương mại trong nước giữ vững vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm, đóng góp 12 – 13% GDP, thu hút khoảng 12% tổng lao động toàn xã hội, hỗ trợ tích cực giải quyết việc làm, nâng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế. Cung cầu, giá cả hàng hóa được giữ ổn định, kể cả trong giai đoạn cả nước gặp khó khăn do Covid-19.
Lực lượng quản lý thị trường được tổ chức theo mô hình ngành dọc, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, ngày càng nâng cao chất lượng, triển khai đồng bộ, kịp thời nhiệm vụ, thể hiện vai trò chủ công trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm lực lượng Quản lý thị trường xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm pháp luật góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh tế, thúc đẩy tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Đồng thời, giúp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đưa cán cân thương mại nghiêng về phía xuất siêu, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu thay đổi theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 10,5%/năm; nhập khẩu được kiểm soát tốt, nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn 2011 – 2020 đã về đích trước kế hoạch.
Cũng trong giai đoạn qua, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nhiều Luật có ý nghĩa quan trọng như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Cạnh tranh sửa đổi, Luật Hóa chất, Pháp lệnh quản lý thị trường… Bộ Công Thương cũng đi đầu trong công tác tổ chức bộ máy, cán bộ và công tác cải cách hành chính.
Làm rõ hơn các nội dung nêu trong Báo cáo, trong tham luận tại Đại hội, ông Hoàng Tiến Dũng- Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giai đoạn từ 2011 đến 2019, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5%/năm. Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010 (101,4 tỷ kWh).
Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2019 đạt 209,77 tỷ kWh, tăng 2,46 lần so với năm 2010 (85,4 tỷ kWh), tương ứng tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cả giai đoạn 2011-2019 là 10,5%/năm (giai đoạn 2011-2015 tăng 10,97%/năm và giai đoạn 2016-2019 tăng 9,49%/năm). “Trong thời gian tới, với các giải pháp được triển khai đồng bộ cùng với quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cung cấp điện sẽ được bảo đảm, chất lượng cao hơn, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”- ông Hoàng Tiến Dũng nói.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức vượt mốc 500 tỷ USD trong tháng 12/2019. Cùng với đó, xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về quy mô, từ 162 tỷ USD năm 2015 lên 264,27 tỷ USD năm 2019. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.
Đáng chú ý, theo thống kê của WTO, năm 2019 Việt Nam vươn lên thứ 23 thế giới về quy mô xuất khẩu, tăng 4 bậc so với vị trí thứ 27 năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.740 USD/người, tăng 55,2% so với năm 2015 (1.766 USD).
“Theo Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa, mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm từ 1,77 tỷ USD năm 2016; 2,11 tỷ USD năm 2017; 6,83 tỷ USD năm 2018; 10,87 tỷ USD năm 2019. 8 tháng đầu năm 2020, tiếp tục ghi nhận xuất siêu 13,5 tỷ USD” ông Phan Văn Chính phân tích.
Tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập
Định hướng những giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử đầy thử thách, khó khăn nhưng cũng nhiều thời cơ và thuận lợi mới. Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tập thể, cá nhân người lao động ngành Công Thương đã đạt được trong 5 năm qua, góp phần quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Các đại biểu trao đổi tại Đại hội
Đơn cử, trong lĩnh vực ngoại thương, Bộ Công Thương đã cùng các Bộ ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và biện pháp điều hành của Chính phủ. Qua đó đã thiết lập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và đối tác thương mại theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước được tập trung thúc đẩy, là động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Hàng hóa ngày càng phong phú, chất lượng hàng hóa và phương thức phục vụ ngày càng được cải thiện.
Thương mại trong nước liên tục phát triển với tốc độ tăng cao bình quân 9,1%/năm; đặc biệt thương mại điện tử phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 27%/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi tầng lớp nhân dân. “Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngành Công Thương cần phải xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành”- Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Trên cơ sở đó, việc hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và cạnh tranh, phòng vệ thương mại; tác động của những tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là những tác động của dịch Covid-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phân bố lại các trung tâm sản xuất và sự chuyển luồng thương mại toàn cầu...
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững.
Về công tác ngoại thương và hội nhập kinh tế quốc tế, lãnh đạo Chính phủ lưu ý Bộ Công Thương tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương tập trung phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân, trong đó, đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại và phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
“Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua. Chú trọng đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc, nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu.
6 mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025
Tại Đại hội, với tinh thần phát huy những kết quả đã đạt được, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra từ phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam đã xây dựng những mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào thi đua và công tác khen thưởng cho giai đoạn 5 năm tới, đồng thời chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 -2025.
Theo đó, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua. Bảo đảm cho hoạt động thi đua, khen thưởng thực sự là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác giai đoan 2020 – 2025.
Thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tích cực tham gia có hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nội dung của các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành và từng đơn vị cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, “Cán bộ, công nhân viên chức ngành Công Thương nói không với tiêu cực”, “Văn minh, kỷ cương, trách nhiệm”; phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” trong công nhân viên chức lao động; phong trào “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” trong khối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tặng Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho các đơn vị thuộc Bộ
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Khen thưởng trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch. Chú trọng khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề, khuyến khích phát huy các nhân tố mới, các sản phẩm dịch vụ mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Chú trọng khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất, trực tiếp làm công tác chuyên môn nghiệp vụ
Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị xã hội khác vững mạnh, tiên tiến. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Trần Quang Huy phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025
“Với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất, Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”- Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy nhấn mạnh.
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2016 – 2020, toàn ngành Công Thương đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực thi đua, phấn đấu, vượt qua các thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Những thành tích đó có sự đóng góp tích cực từ phong trào thi đua yêu nước toàn ngành Công Thương. |
Theo congthuong.vn