Không chỉ công nhân mà cả phóng viên, bác sĩ, kế toán… cũng nằm trong danh sách những nghề nghiệp bị đe dọa bởi robot.
Nguy cơ thất nghiệp do robot ngày càng rõ nét
Sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ (KHCN) trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) không chỉ đem đến những lợi ích to lớn mà còn đặt con người trước những thử thách rất đang lo ngại. Trong đó, thất nghiệp do tự động hóa là một trong những mối lo hàng đầu.
Tại hội nghị Thông tin thời sự quý II năm 2017 tổ chức tại Quận 10 TP.HCM, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhiều lần nhấn mạnh vấn đề trên.
Theo ông Dũng, một trong những đặc trưng của CMCN 4.0 là nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng vạn vật kết nối Internet (IoT). Trong sản xuất thông minh, hầu hết các công việc mà con người đang đảm nhận hiện nay có thể thay thế bởi robot.
Ông Dũng cũng chia sẻ thực tế đã có những nhà máy được tự động hóa gần như toàn bộ như nhà máy của Hyundai. Trong điều kiện như vậy, giải quyết việc làm cho người lao động phổ thông thực sự là vấn đề không đơn giản.
Không chỉ công nhân mà cả phóng viên, bác sĩ, kế toán… cũng nằm trong danh sách những nghề nghiệp bị đe dọa bởi robot. Theo dự đoán của ĐH Oxford, 47% số việc làm tại Mỹ có thể bị robot thay thế.
Đối với Việt Nam, vấn đề này nhiều khả năng sẽ còn nghiêm trọng hơn. Ứng dụng tự động hóa, robot trong sản xuất làm giảm chi phí sản xuất và dẫn đến xu thế đưa sản xuất trở về các nước phát triển thay vì các công xưởng ở những nước có nhân công rẻ như Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo là xu thế của thời kỳ mới
Đưa ra lời giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, CMCN 4.0 đòi hỏi kỹ năng, trình độ của người lao động cũng phải được nâng cao, phù hợp với nhu cầu thời kỳ mới.
Để tận dụng được những thành tựu của CMCN 4.0, người lao động phải nâng cao khả năng tự học hỏi các kiến thức, kỹ năng mới, nhanh chóng thích ứng với những sự biến đổi. Trong đó, yếu tố đổi mới sáng tạo cần được đặc biệt ưu tiên.
Điều này không chỉ đúng với cá nhân người lao động mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải liên tục đổi mới sáng tạo. Những năm gần đây hàng loạt công ty lớn đã vì chậm đổi mới.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, startup chỉ mất vài năm để đạt được những kết quả mà các công ty trước đây phải tốn hàng chục năm. Ví dụ điển hình cho xu thế đó chính là sự thành công của Facebook.
Trong dòng chảy chung của xã hội, chính phủ và các cơ quan nhà nước cũng không thể đứng ngoài cuộc. Ông Dũng cho rằng: “Chính phủ cần hoàn thiện pháp luật trong xu thế biến đổi rất nhanh của xã hội, đi đầu ứng dụng KHCN trong quản lý điều hành và chính sách, tái cấu trúc giáo dục và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo".
Ngoài ra, xây dựng chính phủ kiến tạo, thúc đẩy đối tác công tư nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân cũng là những mong đợi của cộng đồng dành cho chính phủ.
Nguồn Khampha