Thứ Sáu, 22/11/2024 17:56:18 GMT+7
Lượt xem: 4734

Tin đăng lúc 09-05-2016

Phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương

Kể từ khi hai nước bình thường hóa, quan hệ kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng được củng cố và phát triển. Điều này đã tạo thêm nhiều cơ hội và thuận lợi cho sự phát triển của hai nước. Đặc biệt đối với Việt Nam- một đất nước đang rất cần vốn, công nghệ, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương
Hàng ngày có từ 70 đến 80 container tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Điều này đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cảnh báo. Nếu không có những giải pháp quyết liệt và hữu hiệu, nguy cơ mất tính chủ động của nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng hiện hữu.  

 

Sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực thương mại. Nếu như năm 2014, Trung Quốc chiếm 29,6% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam, thì năm 2015 quốc gia láng giềng này đã chi phối tới suýt soát 30%, tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất và nới rộng khoảng cách so với các thị trường đối thủ khác. Số liệu hải quan cho thấy giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong năm 2015 đạt 49,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với năm 2014 và chiếm 29,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Con số nhập khẩu này từ Trung Quốc vượt xa thị trường lớn thứ hai của Việt Nam là Hàn Quốc. Trong năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 16,7 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Hàn Quốc, tăng 26,6% so với năm trước, giúp thị phần của nước này tăng mạnh từ 14,7% năm 2014 lên 16,7% năm 2015. Về xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Năm 2015, Trung Quốc chiếm 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng từ mức 9,9% của năm 2014. Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu 32,4 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc trong năm 2015, tăng so với mức nhập siêu 28,8 tỷ USD của năm 2014. Có tới 10 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị tỷ USD và đây đều là những sản phẩm công nghiệp. Số liệu cho thấy mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc là máy móc thiết bị với giá trị hơn 9 tỷ USD, tiếp đến là điện thoại và linh kiện với gần 7 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, chỉ có 4 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt giá trị tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất không phải là nông sản, mà là máy tính và sản phẩm điện tử với giá trị 2,6 tỷ USD, tiếp đến là xơ và sợi dệt với 1,4 tỷ USD. Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đang có mức độ phụ thuộc rất cao vào Trung Quốc cả ở đầu vào (vật tư, nguyên liệu) và đầu ra (thị trường tiêu thụ). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có tới 80% nguyên vật liệu đầu vào của Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc, 60% xuất khẩu nông sản đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong số 110 nhóm mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, có rất nhiều sản phẩm là nguyên phụ liệu đầu vào, linh kiện lắp ráp, gia công và các máy móc thiết bị phục vụ xuất khẩu, trang thiết bị cho dự án đầu tư đang triển khai. Chẳng hạn, tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc của ngành Dệt may Việt Nam hiện nay đang đứng ở mức 65%. Trung Quốc đang “kiểm soát” chặt chẽ nền công nghiệp Việt Nam qua nguyên liệu, thành phẩm và thu về trên 30 tỷ USD mỗi năm – tương ứng con số nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam. Trung Quốc đang thống trị nhóm sản phẩm này ở 4 trong 5 ngành chính là thủy điện, nhiệt điện, xi măng, bauxite, và sàng tuyển than tại Việt Nam. Nhóm sản phẩm máy và thiết bị đồng bộ có giá trị nhập khẩu hàng năm tới 10 tỉ đô la Mỹ. Trong cơ cấu thương mại song phương hiện nay, Việt Nam cần và phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc cần đến Việt Nam. Nói cách khác nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu sang Việt Nam thì khối lượng đó chỉ bằng 1% tổng xuất khẩu của Trung Quốc nhưng lại tương đương với 30% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ gây ra những tác động dây chuyền không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam còn đang vật lộn để thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ kèo dài và thiết lập sự ổn định kinh tế vĩ mô. Như vậy, có thể nói hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc nếu không đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu, lẫn nhập khẩu, chúng ta sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào họ trong lĩnh vực thương mại. Hệ quả là chỉ cần Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại hoặc có động thái áp dụng các biện pháp bảo hộ hàng sản xuất trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, cấm hoặc hạn chế mặt hàng xuất - nhập khẩu nào đó thì nền kinh tế trong nước sẽ gặp không ít khó khăn, cho dù trong ngắn hạn.

 

Sự phụ thuộc về vốn và  công nghệ Trung Quốc sẽ gây nên những hệ lụy lâu dài. Có một thực tế đáng lo ngại là hàng loạt công trình, dự án, kể cả công trình, dự án quan trọng, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí cả các doanh nghiệp lớn đang sử dụng công nghệ của Trung Quốc để sản xuất. Công nghệ Trung Quốc rẻ, sẵn có, dễ sử dụng. Nhưng về lâu dài, việc này không chỉ khiến Việt Nam luôn ở nấc thang thấp hơn Trung Quốc về mặt công nghệ sản xuất mà còn làm suy giảm động lực nghiên cứu phát triển (R&D) của doanh nghiệp Việt Nam. Đó là chưa kể đến việc sử dụng công nghệ Trung Quốc sẽ cho năng suất lao động thấp, tiêu hao năng lượng cao, hiệu quả kém và đặc biệt là không ít thiết bị, máy móc, công trình chỉ vừa mới đi vào sản xuất, đi vào vận hành đã phải sửa chữa, thay thế. Điều này để lại những hậu quả lâu dài cho các nhà sản xuất trong nước nói riêng và làm suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Về lâu dài, nền kinh tế sẽ mất khả năng cải thiện năng suất do sản xuất công nghiệp bị thui chột và thiếu đổi mới, sáng tạo. Trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số xu hướng đáng chú ý trong đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Trước hết, đó là sự dịch chuyển rõ nét dòng vốn đầu tư hướng vào ngành dệt may nhằm đón đầu, tranh thủ các cơ hội và ưu đãi về thuế sau khi TPP được ký kết. Theo các số liệu thống kê chính thức, có tới 90% số dự án đầu tư vào ngành dệt, nhuộm mới được cấp phép đến từ Trung Quốc! Như vậy, Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh vốn FDI sang Việt Nam trong các lĩnh vực dệt may, da giày. Tác động của việc doanh nghiệp Trung Quốc đón đầu TPP có thể khiến Việt Nam tiếp tục rơi vào bẫy tự do hóa thương mại kiểu mới. Ngoài ra, môi trường cũng trở thành vấn đề nhức nhối nơi có đặt các nhà máy dệt, nhuộm, in, thuộc da... Ngoài việc tự đầu tư mới dự án, làn sóng các nhà đầu tư Trung Quốc tìm mua lại các dự án bất động sản tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên rõ rệt. Điều này khiến cho một số người đặt câu hỏi về việc các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm cách thâu tóm, lũng đoạn thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy chưa có số liệu đầy đủ nhưng một báo cáo trước đây do Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội công bố cho thấy, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC tại Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, trong đó có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu EPC phần lớn các công trình năng lượng, giao thông, khai khoáng, luyện kim ở Việt Nam. Hiện nay ở Việt Nam có 2 dự án công nghiệp nhôm và bauxite đều do Trung Quốc làm tổng thầu EPC với tỷ lệ nội địa hóa chỉ vẻn vẹn 2%. Hiện tại, cả nước có ba nhà máy tuyển than, thì cả ba nhà máy này đều do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, dù Việt Nam có thể hoàn toàn nội địa hóa được 50-70% giá trị thiết bị. Có tới 15 trong 20 dự án nhiệt điện tại Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC với tỷ lệ nội địa hóa 0%. Trong ngành công nghiệp xi măng có 24 nhà máy thì có đến 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu EPC (nhà thầu thực hiện toàn bộ công việc, từ thiết kế, cung cấp máy móc, thiết bị đến thi công xây dựng, vận hành chạy thử rồi bàn giao). Đặc biệt, các dự án EPC do Trung Quốc làm tổng thầu có tỷ lệ nội địa hóa bằng 0% hoặc rất thấp. Điều đáng chú ý là tất cả các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện thường xuyên bị chậm tiến độ có khi đến 3 năm, chất lượng thiết bị kém. Nhà thầu Trung Quốc đem toàn bộ vật tư, phụ tùng, phụ kiện sang thi công dự án, kể cả các thiết bị có thể chế tạo tại Việt Nam; họ đem cả lao động phổ thông sang làm tại các công trình mà họ làm tổng thầu. Gần đây, có chuyên gia đưa ra con số khiến nhiều người giật mình. Đó là, hiện có tới 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Xét riêng về điện, đã có nhiều dự án tỷ USD rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Rõ ràng vấn đề an ninh năng lượng, an ninh quốc gia thực sự đang rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do năng lực tài chính yếu kém, nhiều dự án đã bị triển khai ì ạch, chậm hơn nhiều so với tiến độ đề ra, nhiều công trình bị đội giá… dẫn đến những thiệt hại kinh tế rất lớn. Tuy biết vậy nhưng các chủ đầu tư Việt Nam vẫn nhắm mắt trao các dự án đó cho Trung Quốc! Chẳng hạn, tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, con số nhà thầu Trung Quốc đưa ra đã bị đội vốn gần 100%, từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD. Đó là chưa kể đến việc sau khi trúng thầu, các doanh nghiệp Trung Quốc thường đưa cả nhân công, thiết bị từ Trung Quốc sang trong khi là nhà thầu, họ phải thuê nhân công trong nước cũng như hạn chế sử dụng các thiết bị nhập. Tiến độ nhiều dự án ngừng trệ, chất lượng công trình không bảo đảm. Mối nguy lớn nhất từ thực tế EPC hiện nay là mối nguy đối với an ninh năng lượng. Nếu chú ý có thể nhận thấy, nhà thầu Trung Quốc nắm các dự án quan trọng trong Tổng sơ đồ điện 6 và Tổng sơ đồ điện 7 của Việt Nam và hầu hết trong số này đến nay đều chậm tiến độ hoặc bị đội vốn lên rất cao. Với sự tham gia sâu rộng của các nhà thầu Trung Quốc trong các dự án nhiệt điện tại Việt Nam, nếu các nhà thầu Trung Quốc rút về không thi công, hàng chục dự án điện tiền tỉ đô la Mỹ sẽ nằm “đắp chiếu”. Điều này có thể làm gia tăng chi phí công trình. Việt Nam cũng khó có thể mời các nhà thầu khác tham gia hoàn thiện bởi lẽ toàn bộ máy móc, thiết bị và công nghệ dùng để xây dựng vận hành các nhà máy điện này đều là công nghệ Trung Quốc. Lao động “chui” từ Trung Quốc và tác động đến kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng của nó là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm. Việc tổng thầu EPC rơi vào tay người Trung Quốc được cho là xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án vốn đầu tư phải vay từ Trung Quốc và họ đặt ra các điều kiện đầu tư ngặt nghèo, trong đó có việc phải mua thiết bị từ chính thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu ưu tiên giá rẻ mà không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, không ưu tiên đúng mức tỷ lệ nội địa hóa, do vậy, các nhà máy chế tạo của Việt Nam hầu như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ trong khi các cơ sở trong nước này hoàn toàn có khả năng đảm nhận một khối lượng đáng kể. Ngoài ra, Việt Nam thiếu một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ liên quan đến việc đấu thầu và xử lý sai phạm. Có thể thấy nhiều trường hợp nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ, hoặc đội giá công trình với các lý do không thuyết phục, nhưng các bộ, ngành chủ quản của Việt Nam vẫn không thể xử lý mạnh tay được.

 

Trong quá trình hội nhập, sự ràng buộc, tương tác lẫn nhau về kinh tế là một tất yếu khách quan. Nhưng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, tránh những rủi ro rất có thể xảy ra, Việt Nam cần đa phương hóa, đa dạng hóa các đối tác để tranh thủ nắm bắt cơ hội. Việc ký kết TPP và các FTA vừa rồi cũng sẽ là nhân tố để Việt Nam chủ động xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

 

 Lê Hà


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang