Chủ Nhật, 24/11/2024 11:08:40 GMT+7
Lượt xem: 3585

Tin đăng lúc 06-02-2020

PTC1: Áp dụng mô hình trạm biến áp không người trực – Một bước tiến mới trong quản lý lưới điện thông minh

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam”, những năm qua, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) thuộc Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào công tác quản lý lưới điện truyền tải, đặc biệt là áp dụng mô hình trạm biến áp không người trực (TBA KNT) vào vận hành.
PTC1: Áp dụng mô hình trạm biến áp không người trực – Một bước tiến mới trong quản lý lưới điện thông minh
Niềm vui của những người thợ Truyền tải điện 1 trước thềm năm mới

PTC1 hiện đang quản lý vận hành 10.268 km đường dây và 67 trạm biến áp 220kV – 500 kV trải rộng khắp 28 tỉnh thành miền Bắc (từ Đèo Ngang trở ra) với nhiều địa hình phức tạp (qua các đô thị lớn, đông dân cư và nhiều khu vực rừng núi hiểm trở), ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Chính vì vậy, Công ty luôn tập trung, chú trọng đầu tư những công nghệ mới trong các khâu: Tự động hóa việc kiểm tra, sửa chữa, thao tác từ xa, thực hiện việc xây dựng các TBA KNT.

 

Ông Nguyễn Phúc An – Giám đốc PTC1 cho biết: “Sau một thời gian chuẩn bị và triển khai quyết liệt, từ năm 2017, PTC1 đã đưa 03 Trung tâm vận hành (TTVH) điều khiển từ xa và 08 TBA KNT đầu tiên đi vào hoạt động, tạo bước tiến lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại. Tuy vậy, những ngày đầu triển khai mô hình TBA KNT, Công ty đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Hệ thống lưới điện truyền tải trải dài trên diện rộng, các trạm biến áp cách xa nhau đã tạo bất lợi trong khâu điều khiển, kiểm tra tình hình vận hành máy móc của TTVH từ xa. Hơn nữa, việc chuyển đổi các trạm có người trực truyền thống sang TBA KNT đòi hỏi Ban lãnh đạo Công ty chúng tôi tính toán và giải quyết vấn đề việc làm cho các lao động phải sắp xếp lại. Ngoài ra, công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên quản lý vận hành cũng phải được chú trọng. Đặc biệt, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bổ sung thiết bị giám sát từ xa, thiết bị điều khiển tự động, hệ thống PCCC, an toàn an ninh cho TBA KNT…cũng đòi hỏi PTC1 cần phải quan tâm đầu tư đúng mức”...

 

 

Trong giờ trực vận hành ở Truyền tải điện Tây Bắc - PTC1

 

Với mục tiêu không ngừng cải thiện và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải, PTC1 xác định công nghệ là nền tảng của sự phát triển. Những năm gần đây, Công ty đã tích cực áp dụng các phần mềm cũng như xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong vận hành quản lý như: Phần mềm Quản lý kỹ thuật (Pmis); Quản lý nhân sự (HRM); Quản lý công văn (Eoffice); Quản lý sửa chữa lớn (eSCL); Hoàn thiện mạng WAN đường trục NPT kết nối các đơn vị; Hoàn thiện trung tâm dữ liệu Data Center kết nối NPT với các đơn vị… Cùng với đó, PTC1 đã và đang đầu tư triển khai để hoàn thành dự án TBA KNT theo kế hoạch được Tổng công ty giao. Thực tế hiện nay, hầu hết mỗi TBA 220kV đang vận hành có người trực được biên chế 11 người, trong đó có 01 trưởng trạm và 10 nhân viên vận hành làm việc theo chế độ 03 ca 05 kíp, mỗi ca 02 người. Nếu quản lý 01 TBA sẽ cần 5 nhân viên gọi là đội vận hành; Một TTVH quản lý từ 2-3 TBA trở lên, bố trí 11 nhân viên để quản lý điều hành chung. Khi TBA đủ điều kiện thao tác xa và các điều kiện khác sẽ vận hành theo chế độ KNT. Khi đó, các trạm sẽ chỉ có đội ngũ bảo vệ, số còn lại sẽ được điều động thi tuyển về các TTVH tiếp theo hoặc bố trí nhiệm vụ khác.

 

Đến nay, sau một thời gian tích cực triển khai TBA KNT, Công ty Truyền tải điện 1 đã đưa vào vận hành một số TTVH, điều khiển từ xa thông qua các kênh truyền như TTVH Mai Động quản lý 03 TBA 220kV Long Biên, Kim Động, Bắc Ninh 2; TTVH Nam Định quản lý 03 TBA 220kV Nam Định, Thái Thụy, Trực Ninh; TTVH Phú Thọ quản lý 02 TBA 220kV Phú Thọ và Tuyên Quang; TTVH Nông Cống quản lý 02 TBA 220 kV Nông Cống và Bỉm Sơn; TTVH Hà Đông quản lý 02 TBA 220 kV Thành Công và Sơn Tây; cùng các TTVH hiện tại đang quản lý 01 TBA là Bắc Kạn, Bảo Lâm,  Hải Dương 2, Hải Hà, Than Uyên. Theo lộ trình trong thời gian tới, một TTVH sẽ quản lý vận hành từ 03 - 05 TBA KNT.

 

 

Trung tâm vận hành Nam Định được đặt tại Trạm biến áp 220kV Nam Định

 

Anh Đinh Nguyễn Hoàng - Trưởng TTVH Nam Định chia sẻ: “Nếu khoảng ba năm về trước, khái niệm TBA KNT còn quá mới mẻ trong ngành Điện thì bây giờ là điều tất yếu. Khi cơ sở vật chất tại các trạm không có bàn tay con người điều khiển trực tiếp thì việc vận hành trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Định kỳ mỗi tuần, chúng tôi cắt cử nhân viên xuống kiểm tra 01 lần. Khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào vận hành, hiệu suất công việc tăng lên đòi hỏi chúng tôi phải tích cực nghiên cứu, sáng tạo để đáp ứng được xu thế mới. Đó cũng là áp lực đối với thợ truyền tải vì TTVH Nam Định gần như là trung tâm đầu tiên của PTC1 và Tổng công ty áp dụng quản lý mô hìnhTBA KNT. Trước đây có thể quan sát từng giờ 01 thiết bị, còn bây giờ ở xa không quan sát chi tiết được, vì vậy các quy trình quy định mình phải nắm chắc để đáp ứng. Hiện tại tất cả anh em CBCNV đều cố gắng tìm tòi, học hỏi công nghệ mới và sau hơn 01 năm vận hành TBA KNT, năng suất hiệu quả lao động tại trạm không chỉ đảm bảo mà còn được nâng cao”.

 

Thời gian tới, PTC1 tiếp tục hoàn thiện và đưa vào vận hành các TTVH Quang Châu; Lưu Xá; Vĩnh Yên; Hà Giang; Bảo Thắng; Thanh Nghị; Đình Vũ; Bắc Ninh 3; Quỳnh Lưu; Hải Dương theo đúng kế hoạch của EVNNPT giao. Đồng thời, triển khai công tác đào tạo, kiểm tra, xét tuyển nhân viên vận hành vào các TTVH; Khẩn trương rà soát lại các trạm biến áp đang vận hành để lập kế hoạch dự kiến chuyển thao tác xa không người trực. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào quản lý lưới điện cao thế; Thực hiện các dự án thuộc Đề án nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

 

Định kỳ mỗi tuần TTVH sẽ cắt cử nhân viên xuống trạm kiểm tra

 

Có thể nói, việc xây dựng và đưa vào vận hành các TTVH và TBA KNT tại PTC1 có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc hiện đại hoá, tự động hoá lưới điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh. Từ đó, góp phần vào hoàn thành Chiến lược phát triển của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đến năm 2020 trở thành một trong 04 tổ chức truyền tải điện hàng đầu ASEAN; đến năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện vào năm 2030.

 

Bích Ngọc


Tag:PTC1

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang