Báo cáo của lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, nhiều dự án, doanh nghiệp đã bước đầu tháo gỡ được các khó khăn. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khó giải quyết nhất chính là các vấn đề pháp lý trong các hợp đồng EPC.
Những lô hàng được xuất sau khi PVTex hoạt động trở lại. Ảnh: Đức Thành
Theo đó, hiện đã có 2/12 dự án, doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất có lãi là nhà máy phân bón DAP 1 Hải Phòng và Thép Việt- Trung. Còn lại 4 nhà máy đang tiếp tục ổn định sản xuất và từng bước giảm lỗ là Đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai, đạm Ninh Bình và Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
Trong số 3 nhà máy dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành ổn định trở lại là Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) và Ethanol Quảng Ngãi. Còn Ethanol Bình Phước đang xây dựng kế hoạch và xác định thời điểm vận hành sản xuất phù hợp với điều kiện thị trường.
Công nhân kỹ thuật kiểm tra máy móc trong quá trình sản xuất tại Dự án PVTex. Ảnh: Đức Thành
Về việc thực hiện nhiệm vụ được giao từ trước đối với các Tập đoàn, Tổng công ty thì kết quả nổi bật trong thời gian qua là PVN đã xử lý xong tranh chấp hợp đồng EPC đối với Dự án Xơ sợi củ Đình Vũ (PVTex), hoàn thành giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC (trước đây dự kiến phải kiện ra Tòa án Quốc tế) mà PVN không phải thanh toán các chi phí lên tới 23 triệu USD, tạo ra cơ sở để thực hiện định giá, kiểm toán kết quả định giá nhà máy và cơ cấu lại PVTex.
Đồng thời, PVN còn tích cực tìm kiếm đối tác, ký được hợp đồng hợp tác để vận hành lại nhà máy. PVN cũng đã khởi động lại Nhà máy Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi hồi tháng 10.2018. Theo đó, 2/3 dự án đã bị dừng sản xuất thời gian dài, đến nay đã vận hành ổn định trở lại.
Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết PVTex tới nay đã vận hành ổn định 10 dây chuyền sợi cho ra hơn 4.000 tấn sản phẩm, lợi nhuận thu về bù đắp được các chi phí sản xuất. PVTex đang làm việc với các ngân hàng để thu xếp vốn khởi động toàn bộ nhà máy trong năm nay.
Nguồn Lao động