Thành quả từ lao động
Ngày 6-1 vừa qua, PVN đã trao quyết định và công bố 19 SK xếp loại đặc biệt và loại A cấp tập đoàn với giá trị làm lợi cho DN gần 1.000 tỷ đồng. Tiêu chí để được công nhận SK cấp tập đoàn đòi hỏi các SK phải có số tiền làm lợi trong năm đầu tiên áp dụng tại đơn vị từ năm tỷ đồng trở lên hoặc mang lại lợi ích xã hội rất lớn, có tác động và phạm vi ảnh hưởng rộng trong toàn ngành dầu khí Việt Nam hoặc trên phạm vi cả nước.
Trong đó, giải pháp tối ưu về tồn chứa và chế biến residue (nguyên liệu cho phân xưởng cracking xúc tác - RFCC) sản xuất trong giai đoạn bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Dung Quất lần 3 của nhóm tác giả Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS), có giá trị tiết kiệm 257 tỷ đồng. Trong quá trình bảo dưỡng nhà máy, điểm mấu chốt là phải tìm ra bể sạch và đủ sức chứa khối lượng residue rất lớn. Theo đó, công tác lên kế hoạch bảo dưỡng, làm sạch và chuẩn bị sẵn một bể dầu thô để chứa residue cho giai đoạn bảo dưỡng được định hướng trước, kết hợp với giải pháp giảm lượng residue sản xuất để rút ngắn thời gian giải phóng hết lượng residue tồn chứa, góp phần quan trọng vào thành công chung của công tác bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần 3. Ngoài ra, giải pháp khắc phục sự cố hư hỏng rô-to và nâng cao độ tin cậy cho máy nén của nhóm tác giả Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau khi áp dụng cũng đem lại giá trị làm lợi 160 tỷ đồng. Trong sự cố tại nhà máy ngày 4-12-2017, rô-to các cấp của máy nén bị hư hỏng, rô-to cấp 3 và cấp 4 bị hỏng nặng. Nhóm tác giả đã tự thiết kế và lắp đặt giá đỡ cho đầu dò di trục, rô-to cấp 3 và cấp 4 được lắp đặt, vận hành ổn định hơn 103% công suất nhà máy,... Hơn 110 tỷ đồng là số tiền tiết kiệm được từ việc áp dụng phương pháp caprock trong công tác hủy giếng khai thác của Công ty Điều hành PCPP (Ma-lai-xi-a) - Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí. Ban đầu, kế hoạch hủy giếng khai thác tại PCPP được xây dựng dựa trên quy định hướng dẫn. Tuy nhiên, nhóm phụ trách hủy giếng tại dự án nhận thấy các giếng của PCPP được khai thác tại nhiều tập vỉa khác nhau, việc hủy giếng theo phương pháp thông thường tiềm ẩn rủi ro cao và chi phí lớn. Nhóm đã nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp caprock (chưa từng được áp dụng ở Ma-lai-xi-a). Sau khi PCPP áp dụng thành công, nhiều nhà điều hành khác đã sửa đổi quy trình hủy giếng theo phương pháp này và hướng dẫn các nhà thầu áp dụng cho những dự án về sau.
Chia sẻ về giải pháp “Tinh chỉnh và tối ưu các thông số vận hành phân xưởng PRU” nhằm thu hồi tối đa sản phẩm propylene trong điều kiện phân xưởng vận hành ở công suất cao 110 đến 115% thiết kế (độ thu hồi trung bình trước khi tinh chỉnh đạt khoảng 93%), kỹ sư Hồ Quang Xuân Nhàn cho biết, nhóm tác giả đã đưa ra giải pháp tinh chỉnh điều kiện vận hành hiệu quả kịp thời, giảm mất mát propylene trong điều kiện tính chất dầu thô đầu vào thay đổi, phân xưởng PRU thường xuyên chạy quá tải 115% công suất. Công trình đã giúp Nhà máy lọc dầu Dung Quất giải quyết việc thiếu hụt nguồn propylene nguyên liệu cung cấp cho phân xưởng sản xuất hạt nhựa.
Tiếp tục đầu tư, nâng cao hiệu quả
Phó Giám đốc Nhà máy lọc dầu Dung Quất Đặng Ngọc Đình Điệp khẳng định, phong trào SK, CTKT của đơn vị trong những năm qua thường xuyên được quan tâm, khuyến khích phát triển. Thông qua lao động thực tế, hàng trăm SK, CTKT đã ra đời và làm lợi cho DN hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng hai giải pháp nêu trên của BSR được áp dụng đã mang lại giá trị rất lớn cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây có thể coi là bước phát triển tiếp theo trong việc áp dụng SK, giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất tại BSR. Chung quan điểm, Tổng Giám đốc PV Gas Dương Mạnh Sơn khẳng định, phong trào lao động phát huy SK, CTKT tại đơn vị tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các SK của PV Gas được áp dụng trong thực tế đã góp phần vào việc quản lý, vận hành công trình khí an toàn, hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho PV Gas và PVN, góp phần thiết thực trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đánh giá của lãnh đạo PVN, phong trào thi đua phát huy SK, CTKT nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh tiếp tục được nhân rộng, phát triển trong các đơn vị thành viên của PVN cả về số lượng SK và đơn vị tham gia hoạt động SK-SC. Sau khi phân loại, rà soát và đối chiếu các tiêu chí theo quy định tại quy chế của tập đoàn, mỗi năm có hàng chục SK cấp cơ sở đủ điều kiện để được xem xét công nhận là SK cấp tập đoàn.
Mặc dù phong trào nghiên cứu, đẩy mạnh SK-SC, CTKT luôn được PVN và các đơn vị thành viên quan tâm, tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại không ít khó khăn như phong trào chưa thật sự đi vào nền nếp; các cơ chế chính sách, đãi ngộ tài năng chưa được đầu tư đúng mức, tạo động lực khích lệ phát huy SK trong thực tiễn. Lãnh đạo một số DN cho biết, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, việc đào tạo và giữ chân người tài năng để tránh tình trạng “chảy máu chất xám” sẽ càng khó khăn hơn. Muốn có được nguồn nhân lực chất lượng, đòi hỏi DN phải đầu tư, đưa ra nhiều chính sách để giữ chân và thu hút nhân lực trình độ cao thông qua chế độ lương thưởng tốt, áp dụng quy chế, chức danh chuyên gia cho những nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật sâu. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa các DN với các viện, trường đại học và các đơn vị nghiên cứu nhằm bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cũng như áp dụng kịp thời các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Đánh giá về công tác đẩy mạnh, phát triển phong trào SK-SC, CTKT của DN, lãnh đạo của PVN khẳng định, để gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học trong toàn tập đoàn thành một khối thống nhất, phát huy hết mức tiềm lực, sức mạnh hiện có, PVN sẽ tiếp tục kiện toàn Hội đồng sáng kiến, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của hội đồng cũng như ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng sáng kiến, làm cơ sở, định hướng cho hoạt động SK, CTKT trong toàn tập đoàn phát huy hiệu quả.
Nguồn: PVI.VN