Thứ Sáu, 22/11/2024 17:15:27 GMT+7
Lượt xem: 6807

Tin đăng lúc 23-11-2018

PVN và lời cảnh báo khai thác dầu khí đang “ăn” vào tương lai

Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm, thăm dò và khai thác vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí toàn ngành sẽ chỉ còn 1/3 sản lượng so với hiện nay.
PVN và lời cảnh báo khai thác dầu khí đang “ăn” vào tương lai
Khai thác dầu khí đang “ăn” vào tương lai khi trữ lượng tìm kiếm thăm dò quá thấp so với sản lượng dầu khí khai thác hàng năm.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Toạ đàm: “Ngành dầu khí Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển và hội nhập” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với PVN tổ chức gần đây. Đồng thời, ông Sơn cũng cảnh báo khai thác dầu khí đang “ăn” vào tương lai khi trữ lượng tìm kiếm thăm dò quá thấp so với sản lượng dầu khí khai thác hàng năm.

 

Chính sách thu hút đầu tư không còn phù hợp

 

Ông Sơn phân tích, năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn. Hoạt động tìm kiếm thăm dò trong 8 tháng năm 2018 cũng chỉ mới đạt 2 triệu tấn do PVN không có nguồn tài chính và cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện hoạt động mang tính rủi ro cao này. Trong khi đó, cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng trước đây đã không còn phù hợp và chưa được sửa đổi nên hoạt động này đang bế tắc. 

 

Đồng quan điểm, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh đồng thời là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong 3 năm vừa qua, không có tập đoàn kinh tế nào của nhà nước có dự án mới triển khai cả. Than 10 năm nay không có dự án mới, điện không có và dầu khí cũng không có.

 

“Điều này có nghĩa trong nhiệm kỳ tới, Việt Nam sẽ không có dự án năng lượng nào mới và chúng ta đang ăn vào những gì thế hệ trước đã làm”, ông Thanh nói.

 

Bổ sung các đề xuất để tháo gỡ khó khăn hiện nay của PVN trong hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị, điều chỉnh Luật Dầu khí 2008 và các văn bản pháp quy dưới Luật phù hợp với hiện trạng kinh tế dầu khí thế giới, tiềm năng dầu khí trong nước để kích thích đầu tư nước ngoài tận khai thác các mỏ đang suy giảm, nâng cao hệ số thu hồi dầu, đầu tư phát triển các mỏ cận biên kinh tế, các vùng khó khăn nước sâu, xa bờ. 

 

“Trong khi chờ sửa bổ sung Luật Dầu khí, Chính phủ/Bộ Công Thương cần sớm ban hành “Quy định tạm thời” mang tính pháp quy bổ sung quy định về phân cấp và xét duyệt trữ lượng nhằm rút ngắn lộ trình xét duyệt và đưa các mỏ dầu/khí vào khai thác sớm. Bên cạnh đó, đơn giản hóa quy trình và các thủ tục xét duyệt, có cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước phát triển các mỏ nhỏ, cận biên, đầu tư khoa học công nghệ tăng hệ số thu hồi dầu”, ông San đề xuất.

 

PVN cần được xác lập một cơ chế tự chủ

 

Với trọng trách quản lý khối tài sản cực lớn của Nhà nước, PVN cần được xác lập một cơ chế tự chủ hơn trong hoạt động đi đôi với cơ chế quy trách nhiệm nghiêm túc và chặt chẽ hơn nữa với người đứng đầu. “Quyền tự chủ và trách nhiệm của người đứng đầu phải đi đôi với nhau nếu không PVN không thể phát triển bền vững được”, nguyên Tổng Giám đốc PVN Hồ Sỹ Thoảng chỉ rõ. 

 

Làm rõ thêm ý kiến này, ông Phan Ngọc Trung, thành viên Hội đồng Thành viên PVN, nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, trong quản trị doanh nghiệp, công tác nhân sự là đặc biệt quan trọng bởi phải tìm ra được người lãnh đạo phù hợp, có đủ năng lực quản lý, hiểu sâu sắc về ngành bởi dầu khí là ngành rất đặc thù. Ví dụ như cán bộ kỹ thuật mà lên làm lãnh đạo tại PVN hoặc một nhân sự rất am hiểu về thương mại thì khi điều hành một Tập đoàn đặc thù về kỹ thuật như dầu khí chưa hẳn đã hiệu quả. 

 

“Người lãnh đạo ngành dầu khí phải là sự tổng hoà của kiến thức chuyên môn sâu sắc về ngành dầu khí, cộng thêm khả năng quản lý điều hành doanh nghiệp lớn”, ông Trung chia sẻ. 

 

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San cho biết, mô hình hoạt động của PVN đang bộc lộ những khiếm khuyết trong tổ chức cán bộ, quản lý điều hành và quản trị doanh nghiệp. Mô hình hoạt động vẫn mang nặng cơ chế xin - cho, thiếu tính tự chủ đã hạn chế rất nhiều đến hiệu quả của một Tập đoàn kinh tế lớn. 

 

Và như Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn từng chia sẻ, để khắc phục những vấn đề tồn tại trong mô hình hoạt động Tập đoàn, giải pháp về quản lý được PVN đặc biệt ưu tiên.

 

Nguồn Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang