Thứ Năm, 21/11/2024 18:33:37 GMT+7
Lượt xem: 1479

Tin đăng lúc 15-06-2024

QNU và những bước phát triển khẳng định thương hiệu

Trong giai đoạn 10 năm gần đây từ năm 2014 – 2024, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ, Trường Đại học Quy Nhơn (QNU) đã gặt hái được những kết quả đáng chú ý cùng nhiều thành tựu nổi bật. Những kết quả, thành tựu đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục & đào tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao vị thể của Nhà trường tại khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và trên cả nước.
QNU và những bước phát triển khẳng định thương hiệu
QNU tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin tuyển sinh cho các em học sinh THPT

Nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường quan hệ doanh nghiệp

 

Từ năm 2016 đến nay, công tác tuyển sinh của Nhà trường đạt được những thành công nhất định. Nhà trường đạt mức tuyển sinh từ 2.800 chỉ tiêu (năm 2016), tăng hơn 45% lên 4.100 chỉ tiêu (năm 2023). Để đạt mức tăng trưởng này, Nhà trường đã từng bước khẳng định được uy tín và chất lượng đào tạo thông qua nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó, không thể không kể đến việc mở ngành đào tạo ở các trình độ và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD).

 

Tiền thân là “cái nôi” đào tạo sư phạm của khu vực, QNU từng bước phát triển trở thành trường đại học đào tạo đa ngành đa lĩnh vực với 52 ngành trình độ đại học, 26 ngành trình độ thạc sĩ và 5 ngành trình độ tiến sĩ với tổng quy mô đào tạo hằng năm ổn định từ 14.000 – 15.000 sinh viên đại học chính quy, trên 1.000 học viên sau đại học và là địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt đáng tin cậy của hàng trăm lưu học sinh đến từ 4 tỉnh Nam Lào (Attapeu, Champasak, Salavan và Sekong). Ngoài những ngành học phổ biến, Nhà trường đang đào tạo những những ngành học có nhu cầu tuyển dụng lớn trong thời đại hiện nay như Công nghệ kỹ thuật ô tô; Khoa học dữ liệu; Khoa học vật liệu; Trí tuệ nhân tạo (AI); Kỹ thuật phần mềm và Kỹ thuật điều khiển – Tự động hóa…

 

Theo “Bảng xếp hạng Top 100 Trường đại học Việt Nam năm 2024” của Vietnam’s University Rankings (VNUR), QNU vinh dự được xếp ở vị trí 17/100. Ngoài ra, tính đến tháng 5/2024, QNU cũng được xếp hạng 26 trên 187 trường đại học tại Việt Nam, đồng thời xếp hạng 189 trên tổng số 4.851 trường đại học ở khu vực Đông Nam Á theo “Ranking Web of Universities” của Webometrics.

 

Bên cạnh việc đạt chuẩn 4 sao theo định hướng ứng dụng của Hệ thống đánh giá chất lượng giáo dục Việt Nam (UPM), QNU cũng đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục (chu kỳ 2) và có 14 chương trình đào tạo (CTĐT) ở các trình độ được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn KĐCLGD của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, Nhà trường cũng đã hoàn thành công tác tự đánh giá 05 CTĐT và có 02 CTĐT đã đăng ký kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA 4.0 – Bộ tiêu chuẩn kiểm định toàn diện chất lượng đào tạo vô cùng khắt khe của Mạng lưới các trường đại học ASEAN.

 

Trong số những tiêu chí mà AUN-QA 4.0 đề ra, việc kết nối giữa Nhà trường với sinh viên, doanh nghiệp cũng là một tiêu chí vô cùng quan trọng. Được biết, Nhà trường đã thiết lập mạng lưới quan hệ với hơn 600 cơ quan, doanh nghiệp và đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với 75 đối tác lớn ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cũng như cả nước, nhằm mang đến cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra Trường. Trong 5 năm trở lại đây, theo kết quả khảo sát tình hình việc làm hằng năm, tỉ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 1 năm đầu tiên sau tốt nghiệp đạt trên 90%.

 

 

Công ty TNHH Kurz Việt Nam trao tặng học bổng năm học 2023 – 2024 cho sinh viên QNU

 

Ngoài việc kết nối cùng các tổ chức, doanh nghiệp để mang đến cơ hội việc làm cho sinh viên, QNU cũng là đối tác đồng hành để trao tặng nhiều suất học bổng có giá trị cao dành cho người học như 10 suất học bổng của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF), mỗi suất trị giá 120 triệu đồng/năm dành cho học việc cao học ngành Khoa học dữ liệu và 150 triệu đồng/năm cho đào tạo tiến sĩ trong nước; học bổng của Hội hữu nghị Hàn – Việt; học bổng của Tập đoàn KURZ (CHLB Đức)…

 

Mặt khác, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài việc cần phải đổi mới chương trình đào tạo, đa dạng hóa các hình thức tổ chức đào tạo, tăng tính liên thông. Bài giảng điện tử là một phương pháp dạy và học tiên tiến, tạo ra một hình thức dạy học mới, phát huy hiệu quả quá trình dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy được tính sáng tạo của người học. Việc triển khai xây dựng học liệu và đào tạo E-Learning là hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy được QNU chú trọng quan tâm. Đến nay, Nhà trường đã triển khai thí điểm, tổ chức giảng dạy 6 ngành đào tạo trong Nhà trường theo phương thức E-Learning.

 

Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, mở rộng hợp tác quốc tế

 

Những năm gần đây, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) tại trường đã và đang phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu xã hội trong việc ứng dụng những tri thức khoa học vào thực tiễn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ sinh học, du lịch xanh, hóa học, góp phần tạo ra những giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.

 

 

PGS.TSKH. Nguyễn Thị Mộng Điệp, Trưởng Bộ môn Sinh học ứng dụng – Nông nghiệp, Khoa KHTN đã nghiên cứu thử nghiệm và cho ra đời chế phẩm vi sinh Microlife DHT

 

Trong lĩnh vực về công nghệ sinh học, xuất phát từ nhu cầu xử lý bùn thải thủy sản không nguy hại của Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định, nhóm nghiên cứu của PGS.TSKH. Nguyễn Thị Mộng Điệp, Trưởng Bộ môn Sinh học ứng dụng – Nông nghiệp, Khoa KHTN đã nghiên cứu thử nghiệm và cho ra đời chế phẩm vi sinh Microlife DHT – là sản phẩm được nghiên cứu tại Trường Đại học Quy Nhơn. Xử lý bùn thải bằng chế phẩm vi sinh Microlife DHT là một giải pháp hữu hiệu mang lại lợi kích kép, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra phân hữu cơ sử dụng cho canh tác nông nghiệp nhằm giảm thiểu sử dụng các loại phân bón vô cơ, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và bền vững trong tương lai. Ngoài ra, chế phẩm vi sinh Microlife DHT cũng được đưa vào triển khai, xử lý rác hữu cơ tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định).

 

Trong lĩnh vực về du lịch xanh, bền vững, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Hữu Xuân (Bộ môn Địa lý - Quản lý Tài nguyên Môi trường, Khoa KHTN) đã xây dựng, chuyển giao 2 mô hình du lịch cộng đồng với sản phẩm du lịch đặc thù gắn liền việc bảo tồn rạn san hô Hòn Yến và quần thể gành Đá Đĩa và bộ tiêu chí du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm du lịch đặc thù địa phương của tỉnh Phú Yên. Bộ tiêu chí này có tính thực tiễn và ứng dụng, gắn với sản phẩm du lịch đặc thù có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước, giúp ngành du lịch tỉnh Phú Yên phát triển đúng hướng và bền vững, cải thiện đời sống người dân địa phương, đồng thời bảo vệ môi trường và tài nguyên văn hóa. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đặc thù gắn với bảo tồn rạn san hô Hòn Yến và quần thể gành Đá Đĩa” được các chuyên gia đánh giá cao về lợi ích và tính ứng dụng.

 

Về lĩnh vực vật liệu – phân bón, Nhà trường chủ trì đề tài “Nghiên cứu thu hồi và tách đất hiếm từ Mỏ nam Đề Gi để sản xuât phân bón vi lượng” thuộc chương trình trọng điểm Nhà nước về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới KC.02/16-20, do PGS.TS. Cao Văn Hoàng (Khoa KHTN) làm chủ nhiệm. Với mục đích tạo ra một chế phẩm phân bón mới có hiệu quả cho cây trồng hạn chế sự ô nhiễm môi trường từ phụ phẩm trong quá trình khai thác titan, đề tài đã được ứng dụng ở các địa phương có nền nông nghiệp hữu cơ dạng nông trai như Đà Lạt, Gia Lai, Đăk Lăk.

 

 

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quy Nhơn

 

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quy Nhơn là một tạp chí đa ngành ra đời từ năm 1994, được xuất bản định kỳ 06 số/năm với hai khối lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật và Khoa học xã hội, nhân văn và kinh doanh. Hội đồng biên tập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quy Nhơn gồm các chuyên gia có uy tín khoa học cao đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong nước và nước ngoài như Bỉ, Canada, Australia, Pháp, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc... Các thành viên của Hội đồng biên tập đều có nhiều công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc các hệ thống trích dẫn WoS, Scopus. Tạp chí đã được chỉ mục vào các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, quốc tế như: Crossref, Google Scholar, VJOL, VCGate. Tất cả các bài báo xuất bản trên Tạp chí đều được gắn mã định danh tài liệu số (DOI). Tạp chí đã được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành Sinh học (0,5 đ), liên ngành Hoá học - Công nghệ thực phẩm (0,5 đ), ngành Vật lý (0,5 đ), ngành Kinh tế (0,25 đ), liên ngành Điện-Điện tử-Tự động hóa (0,25 đ), và ngành Ngôn ngữ học (0,25 đ). Hiện nay, Tạp chí đã vận hành Hệ thống xuất bản trực tuyến tại địa chỉ https://qnujs.vn/, tất cả bài viết, từ lúc nộp đến lúc xuất bản đều được thực hiện thông qua Hệ thống. Trong năm học 2023-2024, Tạp chí đã nộp hồ sơ tham gia Ủy ban về Đạo đức Xuất bản (COPE). Tháng 2/2024, Tạp chí đã nộp hồ sơ để gia nhập Hệ thống Trích dẫn Đông Nam Á – ACI, và hiện tại Tạp chí đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký gia nhập hệ thống tạp chí truy cập mở (DOAJ).

 

Năm 2023, Tạp chí đã được cấp giấy phép hoạt động mới, theo hai hình thức là Tạp chí in và Tạp chí điện tử. Bên cạnh mã số chuẩn quốc tế (ISSN: 1859-0357) cho Tạp chí in, Tạp chí đã đăng ký mã số chuẩn quốc tế cho bản điện tử (E-ISSN: 2815-6242).

 

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế cũng được Nhà trường chú trọng và phát triển sâu rộng trong đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên và người học với nhiều trường đại học, tổ chức, viện nghiên cứu trên thế giới. Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang nhận được nhiều nguồn tài trợ cho các dự án tăng cường năng lực, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực, giao lưu văn hóa và thiết lập mối quan hệ từ các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế như Ủy ban Châu Âu (European Commission); Ban Hợp tác phát triển đại học (VLIR-UOS); Cơ quan phát triển chung của Bỉ (BTC); Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS); Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST); FHI 360 (Hoa Kỳ); Đại học Quốc gia Jeonbuk (Hàn Quốc); Đại học Nữ sinh Sookmyung; Tiểu bang Nebraska cùng Đại học Nebraska Ohama (Hoa Kỳ); Tập đoàn PNE (CHLB Đức), Tập đoàn KURZ (CHLB Đức), Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định với 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản… Ngoài ra, Nhà trường cũng gắn kết với Trung tâm Quốc tế và Giáo dục liên ngành, đẩy mạnh công tác tổ chức các hội nghị, hội thảo, chuyên đề khoa học quốc tế… để tăng cường sự giao lưu, kết nối, hợp tác với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học uy tín trên thế giới.

 

 

QNU kết nối với nhiều chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới trong đào tạo và nghiên cứu khoa học

 

Thông qua những mối quan hệ hợp tác và hoạt động kể trên, QNU đã nâng cao được uy tín và vị thế trong khu vực và trên toàn thế giới. Một trong những điểm sáng trong hoạt động hợp tác quốc tế có thể kể đến là việc QNU trở thành trường đại học duy nhất tại Châu Á được tổ chức VLIR-UOS lựa chọn trong năm 2021 là trường đại học đối tác để thực hiện chương trình Hợp tác thể chế đại học (IUC) dưới sự điều phối của Đại học Leuven (KU Leuven), Vương quốc Bỉ. Chương trình IUC-QNU Giai đoạn 1 (2022-2027) với 7 Dự án (5 dự án nghiên cứu ứng dụng và 2 dự án nâng cao năng lực Trường Đại học Quy Nhơn gồm nâng cao hiệu quả hạ tầng E-SERVICE, E-LEARNING, E-LIBRARY, khu thí nghiệm thực hành A6) đã và đang triển khai hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ năm 2 của dự án (1/9/2023 - 31/8/2024). Trường Đại học Quy Nhơn cùng với Đại học KU Leuven và các đại học khác của Bỉ đã và đang phối hợp triển khai thực hiện Chương trình nhằm đạt được tất cả các mục tiêu về nghiên cứu, ứng dụng như đã đề ra, góp phần cải thiện sinh kế và điều kiện sống cộng đồng dân cư vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên của Việt Nam theo hướng phát triển bền vững. Đặc biệt là tập trung vào lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, cảnh báo thiên tai, cảnh báo lũ sớm, nghiên cứu chuỗi giá trị cho táo và thanh long; bảo quản sau thu hoạch an toàn và kéo dài cho bơ, sầu riêng…

 

Sự lan tỏa và ảnh hưởng của Chương trình IUC không chỉ dừng lại ở việc đóng góp phát triển cộng đồng, mà còn là cầu nối quan trọng để tăng cường sự kết nối giữa Trường ĐH Quy Nhơn, với chính quyền địa phương các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên và với các đại học phía Bỉ trong hợp tác nghiên cứu, đào tạo, trao đổi giảng viên, chuyên gia, sinh viên, học viên… Trong Chương trình này còn có 9 NCS của Trường được đào tạo trong các lĩnh vực khác nhau về năng lượng tái tạo, khoa học dữ liệu, AI, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, kinh tế tuần hoàn, chuỗi giá trị… tại các Đại học uy tín của Bỉ như KU Leuven, Ugent, HOGENT, Hasselts, Vives.

 

Công tác nhân sự đảm bảo chất lượng phục vụ đào tạo và nghiên cứu

 

Năm 2019, Trường ĐH Quy Nhơn đã thực hiện tái cấu trúc các đơn vị theo yêu cầu đổi mới của công tác đào tạo và bồi dưỡng. Việc tái cấu trúc nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa ngành sư phạm và các ngành đào tạo khác để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Một mặt giữ vững thương hiệu đào tạo sư phạm, đồng thời cũng khẳng định vị thế của Nhà trường trong các lĩnh vực đào tạo khác. Nhờ đó, Trường Đại học Quy Nhơn đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

 

 

QNU là đơn vị có nhiều trí thức được tôn vinh tại Lễ tôn vinh danh hiệu “Trí thức tiêu biểu về Khoa học – Công nghệ tỉnh Bình Định” lần thứ IV

 

Nhà trường đã có 11 trên tổng số 59 nhà khoa học, trí thức tiêu biểu được vinh danh tại Lễ tôn vinh danh hiệu “Trí thức tiêu biểu về Khoa học – Công nghệ tỉnh Bình Định” lần thứ IV năm 2022. Đây là thành tích đáng tự hào của Nhà trường, là sự ghi nhận kết quả của một quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của từng cá nhân trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Trường ĐH Quy Nhơn luôn chú trọng đến chất lượng và số lượng nhân sự các đơn vị trực thuộc, đảm bảo quyền lợi cho viên chức, người lao động và người học. Tháng 3/2023, Hội đồng trường Trường ĐH Quy Nhơn đã thông qua quyết nghị phê duyệt Đề án vị trí việc làm và ban hành Danh mục vị trí việc làm Trường Đại học Quy Nhơn giai đoạn 2023-2025. Trong điều kiện tự chủ đại học hiện nay, việc thực hiện đề án xây dựng vị trí việc làm đảm bảo các yếu tố then chốt đánh giá xác đáng, tính kỷ luật và công tâm. Việc rà soát và tái cấu trúc vị trí việc làm sẽ làm nền móng để Nhà trường ngày càng phát triển, hòa nhập môi trường học thuật quốc tế và phù hợp với xu hướng tự chủ đại học.

 

Đến nay, Nhà trường có 735 viên chức, người lao động, trong đó có 1 GS, 36 PGS, 205 tiến sĩ và 56 nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Để xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ và năng lực cao, nhiều năm qua, Trường Đại học Quy Nhơn đã có những quyết sách, chủ trương cử giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn ở các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế. Trường Đại học Quy Nhơn đã đạt tỷ lệ hơn 49,3% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, trong đó có 37 giảng viên cao cấp, 265 giảng viên chính. Đây là nguồn lực đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Cải cách hành chính ngày càng được tăng cường

 

Trong những năm qua, Trường ĐH Quy Nhơn đã ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để phục vụ công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2025, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và công tác quản lý đào tạo, tháng 1/2020 QNU đã ban hành Kế hoạch về ứng dụng CNTT và Chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025. Kế hoạch được xây dựng và triển khai nhằm đáp ứng các hoạt động trong Trường, bao gồm công tác quản lý, thủ tục hành chính, đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ cho sinh viên, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong giai đoạn mới.

 

Để khẳng định vị thế của Nhà trường và tạo sự cạnh tranh trong hành trình tiến lên tự chủ đào tạo, QNU đã chính thức cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu nhằm đẩy mạnh tính chuyên nghiệp, truyền tải triết lý giáo dục, giá trị thương hiệu, khẳng định uy tín về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Các đặc trưng của bộ nhận diện thương hiệu Trường Đại học Quy Nhơn được ứng dụng vào sản phẩm phục vụ cho các hoạt động, công tác của nhà trường: Bộ sản phẩm văn phòng; Bộ ấn phẩm đào tạo; Bộ ấn phẩm truyền thông - marketing; Bộ nhận diện số; Bộ ấn phẩm lễ - tết; Bộ quà tặng. Tất cả những ứng dụng hệ thống nhận diện thương hiệu này đều đem lại sự đồng bộ, thể hiện tinh thần Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Chất lượng - Sáng tạo - Nhân văn trong công việc và văn hóa công sở của Nhà trường.

 

 

Bộ nhận diện thương hiệu QNU ra mắt vào năm 2021

 

Bộ nhận diện thương hiệu mang sứ mệnh củng cố niềm tin về hình ảnh và giá trị của Trường Đại học Quy Nhơn, là một yếu tố quan trọng, tạo nên sự nhất quán trong truyền thông nhằm quảng bá sâu rộng, làm tăng lợi thế cạnh tranh, giúp Nhà trường khẳng định vị thế vững chắc trong người học và trong xã hội.

 

Với hành trình gần 50 năm kiến tạo và đổi mới, Trường Đại học Quy Nhơn từng bước vững chắc trở thành địa chỉ đào tạo đại học uy tín và chất lượng hàng đầu tại khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung. Mang trong mình sự chuyên tâm phát triển, tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ và sứ mệnh phục vụ cộng đồng, Trường Đại học Quy Nhơn ngày càng khẳng định thương hiệu của riêng mình, mang đến những giá trị bền vững cho cộng đồng.

 

Đến năm 2030, Trường Đại học Quy Nhơn sẽ là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực định hướng ứng dụng có uy tín cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng của khu vực Đông Nam Á; có vị thế quan trọng về hợp tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi học thuật, giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế.

 

Văn Thuận


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang