Trong tương lai, mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ đạt được sự toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt về thương mại-kinh tế.
Đây là những nhận định đưa ra tại hội thảo “20 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nhìn từ góc độ kinh tế” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt-Mỹ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 31/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đánh giá về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực kinh tế, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, thương mại và kinh tế là nội dung quan trọng cho sự phát triển quan hệ bền vững giữa hai nước.
Tham gia Hiệp định TPP, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được nâng lên tầm cao mới. Những cơ hội cũng như thách thức đặt ra khi tham gia Hiệp định này là rất lớn, đòi hỏi từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cho tới người dân cần chủ động nắm bắt tốt cơ hội này để phát triển và hội nhập.
Tận dụng thành công của việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ để đưa hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ năm 2014 đạt kim ngạch gần 9,9 tỷ USD, chiếm 9,2% thị phần nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ, xếp thứ 2 sau Trung Quốc.
Trong 10 năm (2004-2014), hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng 398%, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 15%. Thời gian tới, Hiệp định TPP sẽ là cơ hội mới, tạo đòn bẩy cho ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững, tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ và tái cấu trúc nội lực của ngành vững chắc hơn, theo hướng sản xuất từ nguyên liệu đến sản phẩm may mặc.
Theo bà Rena Bitter, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, 20 năm qua, quan hệ giữa hai nước có nhiều thành tựu, điển hình như về thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 500 triệu USD vào năm 1995 đến nay đã đạt 35 tỷ USD và đang ngày càng tăng. Mối quan hệ giao thương giữa hai nước sẽ còn tăng khi Hiệp định TPP được hoàn thiện.
Bà Rena Bitter cho rằng, đây là giai đoạn rất sôi động trong quan hệ song phương hai nước. Cùng với đó, sự hợp tác về giáo dục giữa hai nước cũng đạt được kết quả tích cực, hiện số sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Hoa Kỳ đứng thứ 8 trong số các cộng đồng sinh viên nước ngoài du học tại Hoa Kỳ. Trong thời gian tới, sự hợp tác về giáo dục sẽ được nâng lên tầm cao mới khi Đại học Fubright Việt Nam được khai trương.
Với kỳ vọng trở thành nhà xuất khẩu hàng công nghiệp hàng đầu vào thị trường Hoa Kỳ, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, để tận dụng những thuận lợi trong bối cảnh toàn cầu hóa khi các hiệp định thương mại song phương và đa phương liên tục được ký kết hoặc đang trên con đường đàm phán, các doanh nghiệp Việt Nam phải biết nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế cạnh tranh để tiến sâu vào thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Nhìn nhận về vai trò của Hoa Kỳ trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, theo ông Huỳnh Thế Du, giảng viên tại Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, Hoa Kỳ là nhân tố đặc biệt quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Trải qua quá trình đổi mới đất nước và 20 năm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và mang đến những kết quả quan trọng. Hiệp định TPP trong đó có sự tham gia của Hoa Kỳ và Việt Nam là một bước mở cửa và hội nhập mới đối với Việt Nam. Đây là lúc các quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung, hoạt động giao thương kinh tế và thương mại nói riêng đang bước vào một giai đoạn sống động và thực chất hơn bao giờ hết.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử