Thứ Sáu, 22/11/2024 05:56:44 GMT+7
Lượt xem: 2139

Tin đăng lúc 10-02-2017

Quản lý giá sữa cần “bàn tay thép”

Hơn hai tháng nữa, quy định áp trần giá sữa đối với sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ hết hiệu lực, các doanh nghiệp kinh doanh sữa đang mong chờ quyết định bỏ trần, còn người tiêu dùng lại lo đợt tăng giá mới nếu không có “bàn tay thép” từ phía cơ quan quản lý.
Quản lý giá sữa cần “bàn tay thép”
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa mong được "cởi trói" áp trần giá sữa

Hai năm qua, thị trường sữa đã trở về trạng thái ổn định, không còn những cú “tăng tốc” trong “chớp mắt”. Người tiêu dùng đã được hưởng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm nhiều hơn so với thời gian trước khi bình ổn giá và được giữ ổn định liên tục trong một thời gian dài.

 

“Ngóng” cơ chế điều hành mới

 

Sau Tết Nguyên đán, trong khi các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm liên tục có biến động tăng giá, mặt hàng sữa vẫn “đứng im”. Đặc biệt, gần Tết, xăng và các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ đều tăng nhưng các bà mẹ có con nhỏ dưới 6 tuổi vẫn an tâm với giá sữa.

 

Sự ổn định này cho thấy rằng biện pháp bình ổn giá sữa thời gian qua của cơ quan quản lý đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, hết tháng 3/2017, quyết định áp trần giá sữa sẽ hết hiệu lực khiến người tiêu dùng lo lắng, thời gian tới giá sữa sẽ lại “nhảy múa” chóng mặt như trước đây.

 

Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh sữa, mà người dân cũng khấp khởi mong chờ động thái của cơ quan quản lý. Chị Lê Hòa (Thanh Xuân – Hà Nội) rất ủng hộ phương án áp trần giá sữa. Theo chị Hòa, trước khi chưa áp giá trần, giá sữa bột Nan liên doanh được chị mua với giá trên 400.000 đồng/hộp 900g, hiện khoảng 340.000 đồng/ hộp, tùy chủng loại.

 

Tuy nhiên, sắp hết thời hạn áp giá trần, chị Hòa tỏ ra lo lắng: “Gia đình tôi có hai con nhỏ đang có nhu cầu sữa lớn, chiếm đến 30% chi tiêu sinh hoạt của gia đình. Nếu thời gian tới, cơ quan quản lý thả nổi, chắc chắn giá sữa sẽ tăng và như vậy, gia đình tôi chỉ còn cách cắt bớt khẩu phần của các bé”.

 

Hầu hết người tiêu dùng đều lo nếu giá sữa không được quản lý chặt chẽ, để cho các công ty sữa tự quyết định, chắc chắn giá sữa sẽ “nhảy múa”.

 

Theo các chuyên gia, lo ngại của người tiêu dùng là có cơ sở, song cách điều hành giá sữa hiện nay của cơ quan quản lý chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, phải trả giá sữa về đúng với quy luật kinh tế thị trường.

 

Thừa nhận áp trần giá sữa sẽ giảm có lợi cho người tiêu dùng, ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), cho rằng: “Về ngắn hạn, người mua được hưởng giá sữa thấp hơn nhờ việc áp giá trần. Tuy nhiên xét về trung và dài hạn, áp giá trần sẽ hạn chế việc đầu tư phát triển và cải tiến sản phẩm, giảm cạnh tranh giữa các nhà sản xuất để có sản phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng, đi ngược với quy luật cạnh tranh lành mạnh của kinh tế thị trường”.

 

Trong hai năm áp dụng quản lý trần giá sữa, hầu hết các sản xuất sữa trong nước đều gặp khó khăn. Đại diện công ty CP sữa Vinamilk cho rằng áp trần giá sữa tạo ra một sân chơi không công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng sữa.

 

Trước đó, Vinamilk gửi công văn cho Bộ Tài chính đề nghị xem xét lại vấn đề của Vinamilk vì giá sữa bột của Vinamilk đang thấp hơn một nửa so với các sản phẩm cùng loại, có cùng chất lượng, nếu tiếp tục bị áp trần xuống thấp hơn 20% so với giá bán hiện tại, thực sự doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

 

Quản từ gốc đến ngọn

 

Trong khi chờ đợi quyết định tiếp theo của Bộ Công Thương về quản lý giá sữa, chuyên gia kinh tế gợi ý, thay vì quản lý bằng cách áp trần giá sữa, Bộ Công Thương nên quản lý từ gốc đến ngọn theo kiểu quản lý giá cả từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến khi ra thành phẩm tới tay người tiêu dùng. Để làm được điều này cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, từ thị trường, hải quan, thuế…

 

Theo phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước, thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa Việt Nam đang áp dụng hiện ở mức 5% đối với nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN và 10% đối với các quốc gia khác, cao hơn mức thuế của các nước khác trong khu vực.

 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho biết dù giá sữa thời gian qua đã giảm nhưng hiệu quả không cao và khó ổn định thị trường. “Về lâu dài, chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất trong nước, khi các doanh nghiệp nội đáp ứng được nhu cầu thị trường sẽ khiến gia tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, giảm giá thành sản phẩm”, ông Phú cho hay.

 

Việc quản lý hệ thống phân phối cũng rất quan trọng, ông Phú cho biết, các doanh nghiệp trong nước phải sắp xếp lại các chuỗi phân phối, đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ để giảm bớt khâu trung gian; kiểm soát được giá thành, nhất là các nhà nhập khẩu. Với những loại sữa mới vào thị trường, phải có sự quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng độc quyền hay xảy ra lợi ích nhóm.

 

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh chiều 9/2 về việc có hay không gia hạn quyết định áp giá trần sữa, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ đang xem xét vấn đề này, chưa có kết luận chính thức.

 

Trong khi chờ quyết định tiếp theo của Bộ Công Thương, người tiêu dùng hy vọng cơ quan quản lý sẽ sử dụng “bàn tay thép” để quản lý giá sữa, còn doanh nghiệp mong được “cởi trói” giúp cho họ chủ động hơn trong cạnh tranh

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang