Vì vậy, người bán khi đưa sản phẩm ra thị trường phải chịu trách nhiệm. Người mua cũng phải có trách nhiệm với bản thân và gia đình, thận trọng xem xét nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra giám sát và có chế tài xử phạt nghiêm khi phát hiện.
Phân tích thêm, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thực phẩm thủ công, nhà làm từ trước đến nay được bán ở các chợ truyền thống, chợ quê với quy mô nhỏ hẹp đã trở nên phổ biến với người Việt Nam. Sau này phương thức bán hàng qua mạng, bán online phát triển, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 thì thực phẩm nhà làm cũng được bán nhiều hơn.
Thực tế, chưa có văn bản nào nêu rõ cá nhân bán thực phẩm tự làm sẽ phải đăng ký như thế nào, trong khi lực lượng QLTT khó để kiểm tra, giám sát được tất cả cá nhân kinh doanh qua mạng. Vì vậy người dùng trước hết nên thận trọng khi mua các loại thực phẩm, mỹ phẩm tự làm. Đặc biệt mỹ phẩm là sản phẩm phức tạp với nhiều nguyên liệu, công nghệ, cần có quy trình sản xuất chặt chẽ, kiểm soát chất lượng, mỹ phẩm không nhãn mác sẽ khá rủi ro cho người sử dụng.
Bác sĩ Chuyên khoa I (CKI) Hoàng Minh Dũng hiện đang công tác tại Khoa Cấp cứu Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết, không nên tự pha chế hóa mỹ phẩm để sử dụng, vì nếu công đoạn pha chế không đảm bảo an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe chính người pha chế. Bên cạnh đó, các loại hóa chất được pha chế không đúng thành phần, không đúng liều lượng sẽ gây viêm da dị ứng khi sử dụng, tiếp xúc trực tiếp.
Đặc biệt, nhiều loại hóa chất nguy hiểm ngấm vào cơ thể ảnh hưởng trực tiếp đến gan, thận, ruột, tích tụ lâu ngày có thể gây nên bệnh ung thư. Kể cả những chất có nguồn gốc từ thiên nhiên, nếu pha chế không thích hợp và đúng liều lượng cũng có thể gây ra độc hại khi sử dụng.
Khi pha chế hóa mỹ phẩm thường sử dụng nhiều loại hóa chất khác nhau, việc pha chế sẽ thải lượng lớn hóa chất tồn dư ra môi trường, nếu xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống. Trong đó, hóa chất sodium lauryl sulfate (SLS) thường dùng trong các sản phẩm làm sạch và chăm sóc cá nhân. Chất này có thể khiến người dùng bị kích ứng da, phá vỡ chức năng rào cản của da, gây ngứa, bong tróc, khô và ửng đỏ.
Nguy hiểm hơn, natri hydroxit (sodium hydroxide) rất độc hại, thường dùng để điều chế nước tẩy rửa, chỉ cần một liều 10 gam qua đường uống có thể gây tử vong. Các chất bảo quản cũng được thêm vào sản phẩm như thực phẩm, dược phẩm, sơn, các mẫu phẩm sinh học để ngăn ngừa hoặc làm chậm lại sự thối rữa.
Nguồn: VietQ.vn