Chủ Nhật, 24/11/2024 04:56:45 GMT+7
Lượt xem: 1155

Tin đăng lúc 16-10-2020

Quặn thắt “khúc ruột miền Trung”

Họa liên tiếp họa, miền Trung đang trong những ngày đau đáu nổi lo, những ngày khắc khổ chờ mong qua đại nạn.
Quặn thắt “khúc ruột miền Trung”
Thiên tai là bất khả kháng, nhưng những thiệt hại gây ra là vô cùng lớn và thảm khốc.

Dịch bệnh vừa mới được kiểm soát, thiên tai lại ập đến, “khúc ruột miền Trung” đang trong những ngày đau đáu với những nỗi lo toan. Còn nỗi buồn nào hơn khi họa cứ liên tiếp dồn dập đổ xuống mảnh đất này.

 

Dịch COVID-19 đã khiến cho kinh tế đất nước bị trì trệ, gồng gánh qua những ngày gian lao đã nhọc nhằn biết mấy. Chỉ mong “trời mau sáng”, kinh tế mau ổn định để trạng thái mới được thiết lập, người người lại ổn định với cuộc sống.

 

Thế nhưng, khi mà con người đã kiên cường đứng vững qua đại dịch lại phải ngã quỵ trước thiên tai. Dẫu biết rằng thiên tai là điều khó tránh, nhưng cớ vì đâu lại dồn dập đến thế? Hay chăng đấng tạo hóa đang nổi giận với chúng sinh?

 

Cứ mỗi hằng năm độ từ tháng 7 đến tháng 10, mưa lũ lại "ghé thăm" những con người trên mảnh đất miền Trung. Bao nhiêu kinh nghiệm đúc kết, bao sự cố gắng cũng chẳng thể nào tránh khỏi được sự tàn khốc của thiên nhiên mang lại. Con nước lại bao phủ, quấn lấy mảnh đất cằn cỗi này.

 

Hãy thử nghĩ rằng, với tần suất 1 năm đất nước đón hơn 10 cơn bão và phần lớn đều hướng về miền Trung. Đủ thấy những con người nơi đây đang phải gánh những khó khăn chồng chất như thế nào. Mưa, bão, lũ bất thường,... đều hủy hoại tài sản của người dân. Đau đớn hơn, thiên tai còn cướp đi mạng sống của nhiều người.

 

Những ngày tang thương bao trùm lên các vùng quê, khi con số những người thiệt mạng đã lên hơn 50 người. Những ngôi nhà bị phá hủy, ngập nước, hư hại không thể kể xiết. Thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thân chẳng để nào đong đếm được.

 

Dòng nước hung dữ lấy đi tất cả, từ ngôi nhà sau bao năm dành dùm, từ của cải để gầy dựng tương lai đến cả những thứ chắt chiu dành cho con lấy tiền đến trường,... Sự việc vẫn cứ thế diễn ra.

 

Quặn thắt khi thấy người chồng, người cha ở Huế quỳ lạy thiên nhiên trả vợ, trả con lại cho mình. Xót xa khi đứa trẻ lên hai tại Quảng Nam chẳng biết được rằng cha mẹ đã ra đi vĩnh viễn. Khi mà những hình ảnh người dân Quảng Trị, Quảng Bình phải trèo lên nóc nhà, ngoi ngóp băng qua những dòng nước xiết để chờ được cứu trợ lại xuất hiện. Nỗi đau vẫn giày xéo lấy đồng bào khi đoàn tìm kiếm mất tích lại bị mất tích.

 

Tiếng gọi gia đình, tiếng gọi đồng chí, hay tiếng gọi của miền Trung trong ngày này cứ luôn văng vẳng và day dứt. Hai đầu đất nước vẫn đang trên đà phục hồi thì “khúc ruột” lại bi thương đến thế.

 

Đất nước ta đó, đồng bào ta đó, nỗi đau sao cứ mãi kéo dài. Phép màu chẳng có, chỉ biết nguyện cầu giông bão mau đi qua.

 

Chính lúc này đây, cần lắm sự đùm bọc của đồng bào ta. Những việc làm chia sẻ, cứu trợ giữa người với người quý báu hơn bao giờ hết.

 

Từng cân gạo, gói mì, từng ánh mắt của cả đồng bào đang cùng hướng về miền Trung ruột thịt. Hay chỉ là những lời động viên tinh thần, những lời khích lệ nhỏ bé cũng làm ta thấy ấm lòng.

 

Cho đi là còn mãi. Nghĩa tình đồng bào chính là liều thuốc quý xua tan đi những áng mây mù đang ùn ùn kéo đến. Để ta cùng dìu nhau qua cơn hoạn nạn.

 

Suy cho cùng, bão lũ cũng đều xuất phát từ những nguyên nhân địa lý. Và miền Trung ta lại rất “thuận tiện” để “đón nhận” những yếu tố thời tiết bất lợi hằng năm. Đó là bất khả kháng.

 

Địa hình Việt Nam một bên giáp biển, phần còn lại giáp núi. Được nhiều thuận lợi những cũng lắm căm go. Thiên nhiên ưu ái chúng ta một bức tranh đẹp nhưng cũng sẵn sàng cướp đi.

 

Chỉ là đau thương sao cứ bám mãi lấy người miền Trung không dứt !

 

Những con người đau thương ấy rồi sẽ đứng dậy, rồi sẽ mạnh mẽ vượt qua. Giông bão là khó khăn nhưng ý chí sẽ không bao giờ bị quật ngã. “Đòn gánh” của hai đầu Tổ quốc sẽ vững chắc hơn sau những lần được mài dũa.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang