Thứ Bẩy, 23/11/2024 06:29:44 GMT+7
Lượt xem: 648

Tin đăng lúc 09-11-2022

Quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm tràn lan trên YouTube cần đồng bộ xử lý

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có hơn 2000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên YouTube.
Quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm tràn lan trên YouTube cần đồng bộ xử lý
Tình trang quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên YouTobe ngày càng nhiều và tinh vi. Ảnh: VnXpress

Thời gian qua, nhiều người dùng YouTube tại Việt Nam phản ánh tình trạng phải xem đi, xem lại những đoạn quảng cáo thực phẩm chức năng cho nam giới, thuốc gia truyền... trên nền tảng này ở cả smartphone, máy tính, Smart TV... Tình trạng trên từng rộ vào cuối năm 2020 rồi lắng xuống, gần đây trở lại với mức độ mạnh khiến nhiều người khó chịu.

 

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng thừa nhận, Facebook, YouTube hay các nền tảng xuyên quốc gia khác đang là nơi xuất hiện phổ biến nội dung quảng cáo không theo mong muốn. Tuy nhiên, việc nền tảng hoạt động dựa trên thuật toán khiến cơ quan quản lý rất khó phát hiện. Bản thân người dùng cũng gặp nhiều khó khăn nếu muốn lưu bằng chứng hoặc phản ánh. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có công cụ để phát hiện các quảng cáo mang tính đối tượng này.

 

Trong quá trình rà soát thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện và yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên YouTube. Thậm chí, một số nhãn hàng có hành vi cắt ghép các bản tin của đài, báo thành quảng cáo thực phẩm chức năng. 

 

Đơn cử, theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hải Dương Hoàng Anh Tùng nhận định, hiện nay bất kỳ ai khi xem các video trên YouTube thì đều sẽ được xem phần đầu là những quảng cáo về thuốc chữa dạ dày, tiểu đường, viêm xoang, men gan tăng, mỡ máu... Tìm trên mạng xã hội Facebook cũng nhan nhản, cứ gõ tìm kiếm loại thuốc nào là ra cả tá video giới thiệu về loại thuốc đó.

 

Một điểm chung là những quảng cáo này đều được sản xuất khá tinh vi. Không ít quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân vật trải nghiệm để tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã đưa tin nhiều quảng cáo thuốc trên mạng sử dụng bác sĩ giả mạo, cắt ghép hoặc nhân vật dàn dựng. Một số sản phẩm chưa được phép lưu hành nhưng vẫn được quảng cáo công khai.

 

Mạng xã hội bùng nổ giúp người bán hàng tiếp cận dễ dàng với khách hàng. Tuy nhiên, với lĩnh vực y tế, người mua lại là bên phải chịu nhiều rủi ro. Bình thường khi có bệnh, người dân sẽ được bác sĩ tư vấn sử dụng các loại thuốc được kiểm định. Đằng này, hầu hết các sản phẩm thuốc quảng cáo trên mạng chưa được kiểm định, không rõ nguồn gốc. Người mua chỉ nhìn trên màn hình và nghe tư vấn của người bán nên dễ rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

 

Thực tế có bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện nhưng vì tin vào những lời giới thiệu của người quen, nội dung quảng cáo trên mạng nên tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ để chuyển sang dùng thuốc khiến bệnh càng thêm trầm trọng.

 

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tỉnh Hải Dương, mới đây đã phát hiện 18 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm kém chất lượng, trong đó phần lớn là thuốc được rao bán trên mạng, nhà thuốc nhỏ lẻ. Mới đây, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện, xử lý 5 trường hợp quảng cáo bán thuốc rối loạn cương dương không đúng sự thật.

 

Ông Tùng cho biết thêm, những sản phẩm thuốc quảng cáo trên mạng đều có chung lỗi vi phạm là thổi phồng công dụng của sản phẩm, quảng cáo vượt quá nội dung được cấp phép. Nhiều sản phẩm chưa được phép lưu hành nhưng vẫn được quảng cáo công khai. Thanh tra Sở Y tế đang tích cực kiểm tra, xử lý những trường hợp quảng cáo thuốc kiểu này, kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Tuy nhiên, việc rà theo từng quảng cáo rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo phát triển. “Để giải quyết vấn đề này thì cơ quan chức năng cần xây dựng một bộ phận quản lý, kiểm soát các website, kênh bán hàng online. Bộ phận này được phép truy cập nội bộ vào các trang quảng cáo để thẩm định, có thể sẽ xử phạt thật nặng và cho đóng cửa những website và kênh bán hàng vi phạm”, ông Tùng nêu quan điểm.

 

Sử dụng thuốc theo quảng cáo bừa bãi trên mạng không những không khỏi mà còn làm bệnh tình thêm nặng hơn, thậm chí nguy hại đến sức khoẻ của người bệnh. Ngành y tế và các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực này để nhân dân nhận diện được nguy cơ, từ đó không tuỳ tiện mua thuốc điều trị bệnh, nhất là những sản phẩm thuốc quảng cáo trên mạng. Để bảo vệ sức khoẻ của bản thân, là người tiêu dùng thông thái, mỗi người cần tỉnh táo trước các nội dung quảng cáo trên mạng.

 

Phản ánh vấn đề này ông Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cũng cho biết, hiện nay trên không gian mạng có nhiều quảng cáo nói quá sự thật, lạm dụng thuật ngữ chuyên môn để thu hút khách hàng, hứa hẹn về những tác dụng thần kỳ, chẳng hạn như dịch vụ làm đẹp bằng tế bào gốc, với giá cả lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo đại biểu, việc làm đẹp, trẻ hóa làn da bằng tế bào gốc còn rất mơ hồ nhưng nhiều nơi đã đưa vào áp dụng. Vì vậy, cần có biện pháp rõ ràng, thực chất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Thậm chí có những hàng hóa khó đánh giá chất lượng như thuốc, hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất, cần phải có chuyên môn và máy móc hiện đại mới phát hiện được. Do đó, theo ông Trí cần có quy định của pháp luật để lường trước và giải quyết khó khăn vướng mắc, bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng trong những trường hợp này.

 

Tương tự, theo bà Phạm Khánh Phong Lan- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, trên không gian mạng, việc quảng cáo thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng trở nên tinh vi đến nỗi một số bệnh viện đã đấu thầu mua thuốc cũng là nạn nhân, vì những loại thuốc này đã được cấp phép, chứng nhận. Từ kinh nghiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vấn đề hóc búa nhất liên quan đến bán hàng online, kiểm soát các cửa hàng "ảo" trên mạng, đặc biệt với thực phẩm.

 

Bày tỏ quan điểm, ông Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, việc lấy hình ảnh của người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để ghép với sản phẩm quảng cáo, trong khi không mua, không dùng, không biết rõ chất lượng sản phẩm thế nào cần phải bị xử lý mạnh. Bởi sử dụng hình ảnh của họ mà không được phép để quảng cáo sản phẩm có thể làm oan người có ảnh hưởng. Thông thường, tâm lý người tiêu dùng tưởng người nổi tiếng đã quảng cáo là sản phẩm phải tốt thật nên tin tưởng mua và vô tình ‘tiền mất tật mang”.

 

Trước thông tin trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là trường hợp vi phạm pháp luật và sẽ được tổng hợp để gửi Bộ Công Thương, Bộ Y tế nhằm phối hợp xử lý. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, trong công tác chứng thực thông tin, kiểm định chất lượng với những mặt hàng mang tính chất đặc thù, chuyên môn này, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các Bộ, ban ngành chuyên môn để cùng chung tay để xử lý vấn đề quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới. 

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang