Trong 4 tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tại Quảng Nam có xu hướng tăng nhẹ.
Doanh nghiệp liên tục kiến nghị hỗ trợ
Số lượng doanh nghiệp tại Quảng Nam rời bỏ thị trường vì những nguyên nhân từ nền kinh tế khó khăn, thiếu đơn hàng, thị trường bất động sản “đóng băng”,... vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều doanh nghiệp tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất, một số ít mở rộng quy mô. Tuy nhiên, số lượng là không nhiều và hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang mong chờ các chính sách hỗ trợ từ địa phương cũng như Trung ương để sớm quay trở lại thị trường.
Điển hình như THACO – một doanh nghiệp tầm cỡ tại Quảng Nam và có đóng góp lớn vào ngân sách của địa phương cũng đang chờ chính sách hỗ trợ từ các cấp. Cụ thể, đầu năm 2024 doanh nghiệp này đã có đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chính sách hỗ trợ có tính đột phá trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (như đã thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2023) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong nước.
Cụ thể, phía doanh nghiệp mong muốn được giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2024.
Không chỉ THACO, hàng loạt doanh nghiệp tại Quảng Nam thuộc nhóm bất động sản, xây dựng, du lịch thời gian qua cũng đã liên tục kiến nghị để tìm kiếm sự hỗ trợ. Các kiến nghị xoay quanh vấn đề giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, ký quỹ, đơn giá vật liệu xây dựng, vay vốn tín dụng,...
Tại nhiều cuộc họp, ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam thường xuyên nhấn mạnh doanh nghiệp cần sớm được hỗ trợ, đặc biệt là nhóm bất động sản vì hầu hết doanh nghiệp đều đã đến giai đoạn “sinh tử”. Theo ông Bảo, khi doanh nghiệp hồi phục trở lại, các vấn đề kinh tế - xã hội tại Quảng Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Địa phương từng bước hỗ trợ
Từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã đề xuất phương án giảm thuế, tiền thuê đất,... để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, đơn vị này đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam có kiến nghị một số giải pháp với Chính phủ như tiếp tục chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2024, tiếp tục chính sách giảm thuế suất thuế GTGT một số nhóm mặt hàng có thuế suất 10% từ ngày 1/7/2024 đến hết năm 2024.
Ngoài ra, một phương án khác là giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 đối với hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT dự án đầu tư theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp thực hiện. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vì chính sách này đem lại hiệu quả trong các năm trước đó.
Ngày 13/5 mới đây, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công văn 3342/UBND – KTTH về việc đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cùng các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Văn bản ông Bửu ký yêu cầu: “Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, người dân, doanh nghiệp trong hoạt động ngân hàng, nhất là tín dụng và các dịch vụ thanh toán.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam phối hợp Sở KH&ĐT tập trung tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dưới các hình thức phù hợp. Đặc biệt là vốn cho sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn tín dụng đen...”.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam giao Sở KH&ĐT tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ...
Theo Diendandoanhnghiep.vn