Ông Lê Văn Tài - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư khẳng định, Quảng Ngãi luôn lắng nghe, nắm bắt kịp thời những quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương…
Hỗ trợ nhà đầu tư phát triển
Ông Tài cho biết, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045, tình hình thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi có sự khởi sắc mạnh mẽ. Thu hút vốn đầu tư trong 4 tháng đầu năm 2023 gấp 10 lần so với cả năm 2022 (1,281 tỷ USD/125,14 triệu USD). Lũy kế, tại Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi có 347 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 18,556 tỷ USD; trong đó có 58 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,85 tỷ USD và 289 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký tương đương 16,71 tỷ USD. Có 249 dự án đi vào hoạt động.
Ðối với các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu kinh tế, khu công nghiệp, tỉnh đưa ra các quyết sách nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời 26 nội dung kiến nghị của 14 doanh nghiệp, bảo đảm tiến độ và đã tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp tục yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi tăng cường hơn nữa việc xúc tiến đầu tư “tại chỗ”. Trong đó, tỉnh sẽ khai thác việc một số dự án lớn đã đi vào hoạt động, như: Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, các dự án trong KCN VSIP Quảng Ngãi; dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất... để thu hút thêm nhiều dự án mới, có chất lượng đầu tư vào Quảng Ngãi.
Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi cho biết, tỉnh dành nhiều ưu đãi cho các dự án công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ; sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi sẽ được hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường, cung cấp thông tin…
Không chỉ vậy, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới việc xây dựng chính quyền “phục vụ doanh nghiệp”.
Đem chuông đi mời doanh nghiệp ngoại
Từ giữa tháng 3/2022, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn đã tạo điều kiện thuận lợi để Quảng Ngãi tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đến Quảng Ngãi khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Trung tâm XTĐT tỉnh đã xây dựng kế hoạch, kết nối với Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp - Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam (KOCHAM, KOTRA Đà Nẵng), Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.Đà Nẵng mời DN tham dự Chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc”, do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức tại Bình Định vào tháng 5/2022. Tham mưu lãnh đạo Sở KH&ĐT thăm và làm việc trực tiếp với Tổ chức xúc tiến đầu tư thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO), KOTRA Đà Nẵng, EUROCHAM tại Đà Nẵng để thắt chặt mối quan hệ và quảng bá thu hút đầu tư đối với các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu. Đồng thời, chủ động tăng cường XTĐT tại chỗ thông qua các nhà đầu tư hiện hữu.
Ngoài ra, Trung tâm XTĐT tỉnh đã phối hợp với Vietnam Airlines tham mưu cho tỉnh tổ chức lễ ký kết trực tuyến về hợp tác giữa Vietnam Airlines với Quảng Ngãi giai đoạn 2022 - 2025, để quảng bá xúc tiến theo kênh đường bay trong và ngoài nước. Tham mưu cho tỉnh tổ chức Hội nghị Gặp mặt DN Hàn Quốc đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Quảng Ngãi nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc...
Trong thời gian tới, Trung tâm, ưu tiên xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư ở các nước có nền công nghiệp hiện đại đáp ứng nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.
Quan điểm của Quảng Ngãi “xem sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh" và đây chính là mục tiêu quan trọng nhất của Trung tâm Xúc tiến đầu tư - ông Tài nhấn mạnh.
Trong định hướng phát triển, Quảng Ngãi đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn...; nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp. Tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 2 (chú trọng công nghệ cao) để tạo động lực phát triển mới trong giai đoạn tới. |
Theo Diendandoanhnghiep.vn