Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, sau 3 năm (2018-2022) triển khai thực hiện, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thật sự lan tỏa trên khắp địa bàn Quảng Ngãi. Chương trình nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phương; công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các sở, ban, ngành, địa phương ngày càng gắn kết chặt chẽ; trong số các sản phẩm OCOP đạt chứng nhận cấp tỉnh, bước đầu đã hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương như: nước mắm Mười Quý Bình Sơn, hành tỏi Lý Sơn, sản phẩm quế Trà Bồng, trái cây Nghĩa Hành..
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 61 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 57 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng. Toàn tỉnh có 9/13 địa phương có sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó Mộ Đức là địa phương dẫn đầu với 19 sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị đã xây dựng 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, xây dựng trang thông tin điện tử về chương trình OCOP, sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, giao dịch, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP ở Quảng Ngãi vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Cụ thể, các cấp, các ngành chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; chưa chú trọng phát triển các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng mang thương hiệu đặc trưng; chưa phát triển các sản phẩm qua chế biến; công tác truyền thông, quảng bá, kết nối giao thương chưa đủ mạnh và chưa lan tỏa được những mô hình hay, sáng tạo của người dân trong triển khai OCOP.
Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 200 sản phẩm OCOP mới đạt 3 sao trở lên, trong đó có 3-5 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao. Riêng năm 2022, có 50 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3-4 sao, trong đó có 5-7 sản phẩm được nâng hạng 3 sao lên 4 sao. Duy trì 100% sản phẩm OCOP đã đạt từ 3 sao trở lên giai đoạn 2018-2020, nâng hạng khoảng 15% sản phẩm đạt 4 sao trở lên. Phấn đấu đạt 10% chủ thể OCOP có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên thực hiện mô hình theo chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các ngành địa phương tập trung phát triển sản phẩm OCOP phải dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững.
Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đi vào thực chất, phù hợp với yêu cầu, xu thế của thị trường. Sản phẩm phải không ngừng củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng, tăng quy mô sản xuất, chú trọng xây dựng thương hiệu đặc trưng của vùng miền.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; các chủ thể OCOP phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, ngày càng hoàn thiện nâng cao chất lượng được người tiêu dùng tin dùng; đáp ứng được tiêu chí của các siêu thị, nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Các cơ quan quản lý nhà nước phải phối hợp đồng bộ nhằm bảo đảm triển khai các chương trình hỗ trợ cho các chủ thể OCOP mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương đối với chương trình OCOP.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh ưu tiên lựa chọn sản phẩm OCOP của tỉnh để sử dụng, làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết, sự kiện, quà tặng cho địa phương bạn, đối tác, hợp tác.
Theo Nhân Dân