Thẳng thắn phân tích điểm yếu
Năm 2022, cả 4 chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS của Quảng Ninh đều đứng thứ nhất toàn quốc. Đây là kết quả của cả quá trình kiên trì, nỗ lực, liên tục bền bỉ, đổi mới và phát triển của địa phương này. Để duy trì được thứ hạng cao này, Quảng Ninh đã luôn nhìn thẳng và phân tích những điểm chưa đạt, còn hạn chế trong kết quả xếp hạng của năm trước đó, để đưa ra những giải pháp sát thực nhất.
Theo đó, tại Hội nghị Phân tích chuyên sâu chỉ số Cải cách hành chính, chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh, Quảng Ninh đã chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục trong năm 2022. Cụ thể, kết quả đánh giá Chỉ số SIPAS năm 2021 đạt 94,07%, song so với năm 2020 giảm 1,69% và cả 5/5 chỉ số thành phần đều giảm tỷ lệ so với năm 2020. Vẫn còn 5,25% tỷ lệ người dân đánh giá bình thường hoặc không hài lòng về công chức. Đồng thời, so với năm 2020 tỷ lệ hài lòng trung bình về công chức đạt 94,75%, thấp hơn so với năm 2020 là 0,52%. Trong 7 tiêu chí đánh giá về công chức năm 2021 có 7/7 tiêu chí đánh giá có tỷ lệ hài lòng đều thấp hơn so với năm 2020. Đối với Chỉ số PAR Index, nếu năm 2020, tổng điểm của tỉnh Quảng Ninh đạt được 91,04 điểm và đứng đầu cả nước, thì đến năm 2021, dù tổng điểm đã tăng 0,1 điểm lên thành 91,14 điểm, song xếp hạng của Quảng Ninh đã xuống một bậc, đứng sau TP Hải Phòng.
Thực tế, trên hành trình cải cách, Quảng Ninh đã kịp thời nhận diện những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân, doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ. Đồng thời, tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp và người dân, doanh nghiệp, không ngừng nâng cao năng lực, phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền, mở rộng sự kết nối trao đổi thông tin; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế…
Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đưa mục tiêu giữ vị trí nhóm đầu 4 chỉ số CCHC vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và ban hành riêng Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về vấn đề này.
Cũng theo ông Ký, những chỉ số được công bố là những “con số biết nói”, nhưng ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy. Đó là sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu qua hành động thực tế, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đó còn là việc thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả để kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân. Đồng thời là chính sách thu hút, lựa chọn đúng người thực đức, thực tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, mạnh dạn bố trí, sử dụng ở các vị trí phải chịu trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách những năm vừa qua.
Theo đại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Quảng Ninh, phía doanh nghiệp nhận thấy sự chỉ đạo của các lãnh đạo tỉnh rất sát sao. Đặc biệt, các lãnh đạo đã đi khảo sát thực tế địa bàn và đưa ra các quyết sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cảm thấy rất hài lòng và tin tưởng vào sự chỉ đạo về đường lối, chính sách của tỉnh Quảng Ninh.
Không cho phép hoạt động CCHC được chùng xuống
Trong tiến trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh, công tác CCHC được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược, góp phần đưa địa phương này trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã có 10 năm thực hiện đánh giá chỉ số CCHC và 6 năm đánh giá chỉ số đo lường sự hài lòng.
Để duy trì ngọn lửa cải cách, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh còn rất nhiều dư địa để cải cách, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp.
Được biết, đối với các cơ quan đầu mối các chỉ số thành phần PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ động rà soát nghiên cứu kỹ các chỉ số thành phần chưa được đánh giá cao, khẩn trương nghiên cứu các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả gắn với đổi mới cách làm, sáng kiến và kiểm tra, đôn đốc, giám sát... Đồng thời, thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị hoặc tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế; cắt giảm thời gian giải quyết TTHC nhất là lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tập trung số hóa hồ sơ, giấy tờ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh huy động, phân bổ và sử dụng tổng thể các nguồn lực; số hóa trong giải quyết TTHC ở cả 3 cấp chính quyền; tập trung triển khai kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu đối với ngành hải quan, thuế, ngân hàng; tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường tự kiểm tra, thanh tra, giám sát trong việc thực hiện cải cách TTHC.
Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh không thể hài lòng với kết quả hiện tại, mà phải xác định cần nỗ lực nhiều hơn. Ông Huy cũng đề nghị thủ trưởng các cấp, các ngành, chủ tịch UBND địa phương cần nhận thức rõ, chuyển hóa và triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển chính quyền số; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư, kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức; đổi mới, phát huy hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp phù hợp với xu hướng chuyển đối số toàn diện…
Còn theo ông Vương Thành, Tổng Giám đốc vận hành Tập đoàn TCL (Hồng Kông, Trung Quốc), với chính sách thông thoáng, cùng sự hỗ trợ, đồng hành nhiệt tình, trách nhiệm của tỉnh, Quảng Ninh luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của tập đoàn khi nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam.
Giai đoạn 2016-2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh luôn đạt trên 10%. Riêng năm 2022, tăng trưởng GRDP đạt 10,28%, quy mô GRDP của tỉnh đạt gần 270.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc).
Quý 1/2023, Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng GRDP 8,06%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 14.870 tỷ đồng, bằng 28% so với dự toán, tăng 9% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 11.270 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ, thu xuất nhập khẩu ước đạt 3.600 tỷ đồng, bằng 30% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ. |
Theo Diendandoanhnghiep.vn