Thứ Bẩy, 23/11/2024 09:21:47 GMT+7
Lượt xem: 990

Tin đăng lúc 06-11-2022

Quảng Ninh “dọn đường” đón nhà đầu tư

Với chiến lược ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tạo sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Quảng Ninh “dọn đường” đón nhà đầu tư

Điểm “hạ cánh” lý tưởng

 

9 tháng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án FDI, tổng vốn là 186,2 triệu USD. Như vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh có 153 dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10,31 tỷ USD. Trong đó có 91 dự án tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế(KKT) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,36 tỷ USD (cả dự án đầu tư hạ tầng KCN); 62 dự án ngoài KCN, KKT với trên 5,95 tỷ USD vốn đầu tư.

 

Tiêu biểu như tại KCN Sông Khoai có dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, vốn đầu tư gần 500 triệu USD; dự án công nghệ tấm Silic Jinco Solar Việt Nam, vốn đầu tư trên 365 triệu USD. Tại KCN Đông Mai có dự án nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện Multi Sunny Việt Nam, vốn đầu tư 10 triệu USD; dự án nhà máy Lioncore Việt Nam, vốn 30 triệu USD. Haytại KCN Cảng biển Hải Hà có dự án nhà máy may số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam, vốn đầu tư 8 triệu USD; dự án khoa học kỹ thuật bảo vệ môi trường Texhong giai đoạn 1 có số vốn gần 30 triệu USD.

 

Mới đây, ngay tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, hai nhà đầu tư lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư hơn 1,7 tỷ USD vào Quảng Ninh. Trong đó, Công ty CP Hóa dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư vào KCN Bắc Tiền Phong của DEEP C để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa polypropylene (PP) với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Nhà đầu tư thứ hai là Công ty Vietnam Investment Q Limited (thuộc Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima, Nhật Bản) đã ký kết thỏa thuận giữ đất (7,6ha tại Lô đất CN5, KCN Bắc Tiền Phong) với DEEP C, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn, với vốn đầu tư dự kiến 23,9 triệu USD.

 

Ngoài ra, cũng có 3 dự án khác được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay tại hội nghị với tổng vốn hơn 68,7 triệu USD. Trong đó, giấy chứng nhận đầu tiên được trao cho Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong với Dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong CN2.1C, tổng mức đầu tư 20,5 triệu USD để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng, nhà kho xây sẵn chất lượng cao và hiện đại tại KCN Bắc Tiền Phong. Tiếp theo là Dự án Kho Jinko Solar Việt Nam (Jinko 3) của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) tại KCN Sông Khoai, tổng mức đầu tư 35,56 triệu USD. Cuối cùng là Dự án đầu tư Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, TX Quảng Yên do Công ty Jinko Solar Việt Nam thực hiện, với tổng mức đầu tư gần 12,65 triệu USD...

 

Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông

 

Chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ vẫn là ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, hạ tầng các KKT, KCN, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra trung tâm kết nối dịch vụ, giao thông quốc tế, nhằm tạo bàn đạp thu hút đầu tư ngoài nhà nước để hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển tại một số khu vực trọng tâm có nhiều tiềm năng như: Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, Nam Tiền Phong...

 

9 tháng năm 2022, tỉnh đã đón tiếp 32 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Trong đó có 23 đoàn là các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu biểu như: Đoàn Đại sứ quán Anh và Tập đoàn BP; đoàn Công ty Autoliv và đối tác Navigos, CBRE; đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam; đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Quảng Ninh (VAFIE); đoàn các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư thuộc Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC tại kỳ họp ABAC 3...Điều đó cho thấy, sức hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp là rất lớn.

 

 

Nhà máy sản xuất tấm Silic Jinko Solar tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên

 

“Chúng tôi rất cẩn trọng khi chọn một địa điểm đầu tư và Quảng Ninh chính là điểm đến hội tụ mọi yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Hệ thống giao thông kết nối tốt, đặc biệt tại các khu công nghiệp là những điểm mạnh để các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào Quảng Ninh thời gian tới”- ông Bruno Jaspaert - Giám đốc điều hành KCN DEEP C, chia sẻ.

 

Để tăng cường liên kết vùng, kết nối khu vực, Quảng Ninh đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong quý III/2021 đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX. Đông Triều, dài 41,2km, tổng mức đầu tư trên 9.400 tỷ đồng. Tuyến đường này có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông đối ngoại, đối nội, đồng thời là trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng trên hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh. Đồng thời đánh thức tiềm năng, lợi thế to lớn mà mỗi địa phương đang sở hữu, giữ vai trò động lực, hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng phía Tây cũng như hạt nhân đô thị Hạ Long; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển, tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư...

 

Ông Soichi Inoue (Công ty TNHH Marubeni Việt Nam): Với những nhà đầu tư lớn đã chọn Quảng Ninh là nơi "hạ cánh", thì sức hút mạnh nhất là sự rõ ràng và minh bạch trong chính sách, tốc độ xử lý công việc của các cấp chính quyền, cũng như cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ.

 

Theo Congthuong.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang