Nỗ lực bứt phá, thu hút đầu tư
Năm 2016, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để vươn lên vị trí thứ hai của bảng xếp hạng PCI. So với năm 2015, PCI của Quảng Ninh tăng lên một bậc từ vị trí thứ ba lên thứ hai. Trong các chỉ số thành phần dùng để đánh giá năng lực cạnh tranh, tỉnh Quảng Ninh có nhiều chỉ số tăng cao so với năm 2015, đó là: chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định: “Trong bốn năm qua, Quảng Ninh đã nỗ lực không ngừng để cải thiện chỉ số này. Năm 2016, Quảng Ninh đã bứt phá lên vị trí thứ hai cả nước và luôn nằm trong tốp năm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc. Kết quả này ghi nhận sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương. Tỉnh đã mạnh dạn xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI). Thông qua bộ chỉ số này, năng lực cạnh tranh của từng đơn vị, địa phương đã có những cải thiện đáng kể và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, qua đó góp phần nâng cao chỉ số PCI”.
Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã giúp cho tỉnh Quảng Ninh liên tục duy trì vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng vùng đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh xác định phải chủ động và tích cực tạo mặt bằng sạch đối với các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, thực hiện nguyên tắc theo sát bước chân nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án đúng tiến độ, đồng thời thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Tập đoàn Texhong Hồng Thiên Chúc cho biết: Tập đoàn chọn Quảng Ninh là nơi đầu tư dự án vì luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh. Công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật được triển khai nhanh chóng để bàn giao cho Tập đoàn thực hiện. Tập đoàn đánh giá cao việc giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Quảng Ninh đã tiết giảm đáng kể thời gian làm thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.
Năm 2010, từ vị trí thứ 26, Quảng Ninh đã vươn lên xếp thứ bảy trong số 63 tỉnh, thành phố và đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Kết quả này chính là thước đo về sự hài lòng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành của tỉnh. Hàng loạt dự án quan trọng được các nhà đầu tư chiến lược tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác phát huy hiệu quả. Tỉnh Quảng Ninh cũng đang đẩy nhanh việc triển khai các dự án hạ tầng tạo động lực như dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không Quảng Ninh, Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn... với mục tiêu đến năm 2020, trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp.
Năm 2017, Quảng Ninh đã thu hút hàng loạt dự án của các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, FLC... đầu tư vào hạ tầng du lịch với số vốn khoảng 100 nghìn tỷ đồng, nhằm mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế ở vùng Đông Bắc và khu vực. Đến cuối năm 2017, Quảng Ninh sẽ có tuyến cao tốc đầu tiên kết nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đầu năm 2018, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có chuyến bay đầu tiên kết nối Quảng Ninh với quốc tế... Đây sẽ là những động lực để Quảng Ninh tiếp tục phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm kinh tế động lực của Bắc Bộ và cả nước.
Đánh giá về những cách làm sáng tạo của Quảng Ninh, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định: Những năm gần đây, Quảng Ninh đã đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như cái nôi của những ý tưởng và mô hình cải cách táo bạo. Đặc biệt là những cách làm mới của Quảng Ninh, như xây dựng Trung tâm hành chính công để đưa chính quyền gần dân, phục vụ dân tốt hơn; thành lập Cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư độc lập (IPA) năng động, thân thiện, hiệu quả; Quảng Ninh đang từng bước truyền được lửa cải cách xuống địa phương thông qua việc trao cho người dân và doanh nghiệp quyền đánh giá chính quyền, cơ quan quản lý thông qua Bộ chỉ số DDCI.
Đổi mới tư duy, đồng hành cùng doanh nghiệp
Để thu hút được các nguồn lực, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả "3 đồng hành, 5 hỗ trợ" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nâng cao tính minh bạch.
Có thể khẳng định, tỉnh Quảng Ninh đã đánh giá đúng thực tiễn, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực để thực hiện. Nguồn lực ở đây không phải là ngân sách từ T.Ư đầu tư, hỗ trợ, mà chính là sự đoàn kết, đổi mới tư duy của cả hệ thống chính trị gắn với chủ động đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn cho doanh nghiệp.
Ngay từ năm 2015, Quảng Ninh đã mạnh dạn triển khai mô hình “Cafe doanh nhân” nhằm gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, tạo điều kiện để hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp trong tỉnh phát triển và mời gọi các nhà đầu tư ngoài tỉnh. Đây được coi là địa chỉ để các doanh nhân gặp gỡ với đại diện cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà quản lý trực tiếp giải đáp thắc mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Môi trường “Cafe doanh nhân” đã tạo sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, đồng thời là không gian mở, diễn đàn mở, nơi mọi khó khăn của doanh nghiệp đều có thể được đưa ra trao đổi trực tiếp để tìm hiểu, tháo gỡ.
Hiệu quả từ mô hình “Cafe doanh nhân” đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp với chính quyền, giúp cho chính quyền có cơ hội tiếp cận những thông tin và kiến thức thị trường từ doanh nghiệp để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khơi nguồn, sáng kiến cải cách và tăng cường đối thoại, tương tác hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Không chỉ tổ chức tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chung trên địa bàn tỉnh định kỳ một quý một lần, mà tỉnh còn giao chủ tịch UBND các địa phương thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thể cho biết: Việc tổ chức tiếp xúc doanh nghiệp tại các địa phương với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan làm tăng tính tương tác, phạm vi, quy mô, số lượng doanh nghiệp được tiếp xúc với các cơ quan chức năng. Thông qua đó, những vấn đề cụ thể còn vướng mắc cũng được giải quyết thấu đáo hơn, từng bước đem lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm không ngừng nâng cao chỉ số PCI, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh và mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của một địa phương qua từng năm. Vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI năm 2016 đã ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
Để tiếp tục giữ vững vị trí trong bảng xếp hạng, tỉnh Quảng Ninh xác định còn nhiều việc phải làm và luôn coi PCI là công cụ để soi lại mình, tự đổi mới, bứt phá vươn lên đồng hành cùng doanh nghiệp. Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính quyết định mà tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện thành công đó là sự đổi mới tư duy, nhận thức từ quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác bền vững lâu dài trong phát triển kinh tế của tỉnh. |
Nguồn Nhandan.com.vn