Trong những năm gần đây, cùng với sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan quản lý, các vùng trồng nguyên liệu mang tính tập trung công nghiệp đã được hình thành và phát triển tại Quảng Ninh. Tuy vậy, các sản phẩm từ Ba kích mới chỉ tồn tại dưới dạng củ thô, hoặc ngâm rượu, điều này gây cản trở việc thương mại sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Hiện nay, chưa có sản phẩm nào từ Ba kích dưới dạng thực phẩm chức năng được bào chế phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, dự án “Thương mại hóa quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ phòng chống loãng xương từ Ba kích tím Quảng Ninh” do dược sĩ Phan Kế Sơn làm chủ nhiệm có một ý nghĩa rất quan trong. Dự án không chỉ mang đến lợi ích lớn cho người dân, mà còn có tác động tích cực đến vấn đề phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Trong dự án này, sản phẩm chức năng có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh loãng xương được nghiên cứu, phát triển sản xuất trên quy mô công nghiệp hứa hẹn sẽ thu hút được sự quan tâm lớn từ thị trường. Công nghệ hiện đại được phát triển bởi chính các nhà khoa học Việt Nam cho phép tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí giá thành hợp lý, phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.
Theo dược sĩ Phan Kế Sơn, chủ nhiệm dự án, sau khi dự án thành công, mô hình triển khai sẽ đóng góp sự thành công trong việc kết nối Cung - Tổ chức trung gian - Cầu hay nói cách khác là giữa nhà khoa học – tổ chức KH&CN trung gian – doanh nghiệp, công ty sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Đồng thời, thành công của dự án là cơ sở cho các nghiên cứu nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị của quá trình sản xuất và tiêu thụ ba kích. Dự án cũng góp phần nâng cao trình độ và tư duy của người trồng dược liệu, góp phần làm tăng vị trí của khoa học ứng dụng của Việt Nam trên mặt bằng khoa học thế giới. Bên cạnh đó, Ba kích là một giống cây rất phổ biến ở Quảng Ninh. Việc nano hóa cây Ba kích, để tăng hiệu quả sử dụng, giảm thiểu tác dụng phụ, giảm liều lượng sử dụng trên người dùng sẽ mang lại một hiệu quả kinh tế rất lớn.
Dù vậy, hiện nay 80% dược liệu nhập khẩu vào nước ta không có chứng nhận xuất xứ và chất lượng. Do đó, việc đánh giá và kiểm soát chất lượng của dược liệu Ba kích tím rất khó khăn. Đó được cho là một trong những khó khăn lớn của nhóm nghiên cứu dự án. Để giải quyết vấn đề này, khi thu mua Ba kích tím, nhóm nghiên cứu đã phải tiến hành định danh dược liệu, định tính và định lượng thành phần hoạt chất trong Ba kích tím để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Khó khăn là thế nhưng nỗ lực của nhóm nghiên cứu dự án cũng đã mang lại những thành quả đầu tiên. Mới đây, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh kết hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã thống nhất xây dựng Đề án phát triển vùng dược liệu Ba kích tại huyện Ba Chẽ, tạo điều kiện rất quan trọng cho việc phát triển ổn định vùng dược liệu Ba kích tại Quảng Ninh.
Nhóm nghiên cứu cùng doanh nghiệp cũng đã hướng tới xây dựng và phát triển vùng trồng dược liệu Ba kích tím, để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cũng như chất lượng của dược liệu sử dụng trong quá trình phát triển công nghệ sản xuất sản phẩm nano Ba kích.
Ngoài ra, Trung tâm Khoa học và Sản xuất Lâm nông nghiệp Quảng Ninh đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp nuôi cấy mô để nhân giống cây Ba kích tím. Đây là phương pháp vừa giúp bảo tồn được nguồn gen, vừa nhân nhanh với số lượng lớn cây giống với độ đồng đều cao mà vẫn giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ. Thành quả là đã có hàng chục vạn cây giống Ba kích tím từ phương pháp nuôi cấy mô cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh. Điều này giúp Quảng Ninh trở thành thị trường cung cấp hàng đầu các loại Ba kích chất lượng, đáp ứng nhu cầu cả trong và ngoài nước.
Với gần 55.300 ha đất lâm nghiệp, chiếm 91% diện tích đất tự nhiên, huyện Ba Chẽ có thế mạnh lớn về phát triển cây dược liệu, được định hướng trở thành một trong những trung tâm dược liệu xanh của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc. Việc phát triển vùng dược liệu Ba kích tại Ba Chẽ nói riêng và Quảng Ninh nói chung sẽ trở thành tiền đề quan trọng giúp địa phương mở rộng sản xuất và nâng cao vị thế, giá trị sản phẩm.
Trường Phạm