Thứ Sáu, 22/11/2024 11:09:19 GMT+7
Lượt xem: 4830

Tin đăng lúc 16-04-2018

Quảng Ninh: Thúc đẩy hoạt động kinh tế cửa khẩu biên giới

Mới đây, tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh hoạt động kinh tế cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh. Cùng tham dự hội nghị có các sở, ngành, địa phương có cửa khẩu cùng 200 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới tại tỉnh Quảng Ninh.
Quảng Ninh: Thúc đẩy hoạt động kinh tế cửa khẩu biên giới
Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái sẽ trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động, bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Hiện nay, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có cả cửa khẩu đường biển, đường bộ cùng với cơ sở hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ và hiện đại, cơ chế chính sách thông thoáng, hoạt động quản lý Nhà nước trên địa bàn theo hướng ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cùng với cửa khẩu quốc tế Móng Cái, hệ thống cảng biển, Quảng Ninh còn có 3 Khu kinh tế cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc.

 

Trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu biên giới đường bộ của Quảng Ninh diễn ra sôi động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới, đời sống nhân dân đặc biệt nhân dân vùng biên giới được cải thiện.

 

Các loại hình mua bán hàng hóa đang dần chuyển sang hoạt động xuất khẩu chính ngạch theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết, việc đó thể hiện qua các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc áp dụng các ưu đãi thuế quan của hàng hóa có xuất xứ. Hiện nay hoạt động này thực hiện theo các quy định của các văn bản pháp luật có liên quan và không có phát sinh các vướng mắc.

 

Năm 2017, tổng trị giá hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới đạt 50,5 triệu USD (tăng 151% so với cùng kỳ); trong đó, thành phố Móng Cái đạt 20,3 triệu USD, huyện Hải Hà là 27,7 triệu USD, còn huyện Bình Liêu đạt 2,5 triệu USD. Trong quý 1 năm 2018 tổng trị giá hàng hóa trao đổi đạt 9,6 triệu USD tăng 4,3% so với cùng kỳ và tăng 16,5% so với CK; hàng hoá chủ yếu gồm thuỷ, hải sản, bột sắn, hàng tạp hoá, vỏ cây keo, hoa hồi, quả sở khô, quế…

 

 

Ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị.

 

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định: Cùng với KKT Vân Đồn thì KKT cửa khẩu Móng Cái là một trong hai mũi đột phá trong chiến lược phát triển của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo lộ trình, KKT Cửa khẩu Móng Cái sẽ trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động, bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là khu kinh tế cần phải có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại...

 

Để hiện thực hóa chiến lược trên, thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển khu vực này, nhất là đẩy mạnh đầu tư, mở rộng hạ tầng KKT mà trọng tâm là kết nối hạ tầng. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng chủ động báo cáo, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, ban hành những cơ chế, chính sách riêng biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

 

Tại hội nghị lần này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị các đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp tham mưu cho tỉnh những giải pháp để thúc đẩy phát triển KKT Cửa khẩu Móng Cái nói riêng và kinh tế khu vực cửa khẩu nói chung. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh lưu ý các đại biểu cần nhìn nhận khách quan, đánh giá thực tiễn hoạt động xuất nhập khẩu của hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, có sự so sánh với các KKT cửa khẩu khác như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… cũng như tham khảo những chính sách của nước bạn. Cùng với đó đề xuất những giải pháp cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư trong hoạt động này...

 

Theo đó, đại diện các doanh nghiệp và lãnh đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng đã làm rõ những ưu, lợi thế của Quảng Ninh trong hoạt động kinh tế cửa khẩu biên giới; đồng thời thẳng thắn chỉ ra một số bất cập cần kịp thời tháo gỡ để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh hiện có của tỉnh Quảng Ninh.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm dành mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng KKT Cửa khẩu và hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng sẽ sớm báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương xin chủ trương thí điểm khu hợp tác kinh tế song phương.

 

Với các ý kiến của doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trên cơ sở đúng pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Công thương chủ trì làm việc với các địa phương về vấn đề kho ngoại quan để sớm có tham mưu, đề xuất với tỉnh.

 

Các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng giảm chi phí không chính thức của doanh nghiệp; phải thường xuyên chấn chỉnh cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tiếp tục chấn chỉnh ngay công tác thanh, kiểm tra của các lực lượng chức năng; theo đó, giao các ngành: Công an, Công Thương, Quản lý Thị trường vừa kiểm soát tốt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, song cần chú ý không gây khó khăn cho doanh nghiệp…

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế cửa khẩu biên giới tiếp tục gắn bó với địa bàn Quảng Ninh; nếu có khó khăn, vướng mắc, tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành để tháo gỡ kịp thời./.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang