Thứ Sáu, 22/11/2024 23:30:58 GMT+7
Lượt xem: 3936

Tin đăng lúc 13-06-2017

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý Ngoại thương

Với 433 đại biểu bỏ phiếu tán thành, chiếm 88,19% số lượng đại biểu tham gia bỏ phiếu, Luật Quản lý Ngoại thương đã chính thức được thông qua.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý Ngoại thương
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý Ngoại thương

Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

 

Hoạt động ngoại thương là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

Về nguyên tắc quản lý, nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc quản lý bảo đảm sự minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu. Đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hoạt động ngoại thương theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

Luật Quản lý ngoại thương có 8 chương, 113 điều, quy định chi tiết về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu (XNK); các biện pháp hành chính về cấm XNK; biện pháp tạm ngừng, hạn chế XNK. Các quy định về hạn ngạch XNK, hạn ngạch thuế quan; chỉ định cửa khẩu, thương nhân XNK. Biện pháp quản lý theo giấy phép XNK; quản lý theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu; Biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Giấy chứng nhận lưu hành tự do.

 

Luật cũng quy định chi tiết về các biện pháp quản lý hoạt động ngoại thương khác như tạm nhập tái xuất; tái xuất tạm nhập; chuyển khẩu; gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài và đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài. Ngoài ra, còn có quy định quản lý ngoại thương với các nước có chung biên giới; biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng.

 

Để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp khi tham gia thị trường, luật cũng có quy định về các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch đối với một số loại hàng hóa phải kiểm tra; Đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại; chống bán phá giá; chống trợ cấp..

 

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Điều này cũng đồng nghĩa các pháp lệnh như: Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam số 42/2002/PL-UBTVQH10; Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11; Pháp lệnh về Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 22/2004/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực. Luật cũng sẽ bãi bỏ khoản 3 Ðiều 28, khoản 3 Ðiều 29, khoản 3 Ðiều 30, các điều 31, 33, 242, 243, 244, 245, 246 và 247 của Luật Thương mại số 36/2005/QH11.

 

Về Quy định chuyển tiếp, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, các vụ việc phòng vệ thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ khiếu nại, điều tra trước ngày luật này có hiệu lực thì được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của các pháp lệnh nêu trên.

 

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ triển khai xây dựng các nghị định, quyết định của Thủ tướng và Thông tư hướng dẫn nhằm nhanh chóng đưa Luật Quản lý Ngoại thương vào thực tiễn.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang