Thứ Sáu, 22/11/2024 06:14:00 GMT+7
Lượt xem: 4728

Tin đăng lúc 28-05-2018

Quốc hội thảo luận về khoản nợ bảo hiểm xã hội hơn 22 nghìn tỷ đồng

Cơ bản nhất trí với lộ trình phát hành trái phiếu Chính phủ trả nợ 22.090 tỷ đồng cho bảo hiểm xã hội là một trong những nội dung trong báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 26/5.
Quốc hội thảo luận về khoản nợ bảo hiểm xã hội hơn 22 nghìn tỷ đồng
Toàn cảnh phiên họp

Trong phiên họp chiều ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Một trong 2 nội dung được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày đó là xử lý nghĩa vụ của ngân sách nhà nước đối với Quỹ bảo hiểm xã hội liên quan đến khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước 1/1/1995.

 

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khoản này được xác định là 22.090 tỷ đồng. Ngày 16/12/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ thực hiện chuyển kinh phí từ ngân sách hằng năm vào Quỹ bảo hiểm xã hội để đóng khoản này. Nhưng trong dự toán ngân sách năm 2016-2017 chưa bố trí để xử lý khoản nợ 22.090 tỷ đồng nêu trên. Lý do là hiện hằng năm, Quỹ bảo hiểm xã hội đều có kết dư, nếu ngân sách bố trí chuyển 22.090 tỷ đồng vào quỹ thì cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam sử dụng để đầu tư mua trái phiếu Chính phủ.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về lộ trình phát hành trái phiếu Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản nợ nêu trên, trong đó: năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng. Đồng thời, tính lãi  đối với khoản nợ này từ ngày 1/1/2016.

 

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ tính hợp lý của việc tính lãi từ thời điểm 01/01/2016, trong khi phát hành trái phiếu Chính phủ ghi nợ có lộ trình 3 năm, bắt đầu từ năm 2018. Một số ý kiến đề nghị tính lãi từ thời điểm phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ, bảo đảm rõ ràng, nhất quán. Mặt khác, theo báo cáo của Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ nêu trên không làm tăng bội chi Ngân sách nhà nước năm 2018.

 

Thảo luận ở hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đây là khoản tiền không thuộc về Quỹ bảo hiểm xã hội hay của công đoàn, mà là khoản tiền thuộc quyền lợi của cán bộ công nhân viên chức nhà nước trước ngày 1/1/1995. Vì vậy với tư cách là người đại diện cho nhà nước về sử dụng lao động thì Chính phủ phải có trách nhiệm chuyển trả số tiền trên cho người lao động. Xét trên một khía cạnh nào đó thì Quỹ bảo hiểm xã hội chỉ là nơi giữ hộ tiền cho người lao động. Chính phủ đưa ra phương án và lý do bảo toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội không bị phá sản nên chỉ chi trả phần gốc mà không chi trả phần lãi là không phù hợp. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thì phải tính lãi cho số tiền 20.090 tỷ đồng từ năm 2006, tức từ khi Luật bảo hiểm 2006 có hiệu lực và tính theo phương án lãi gộp như trong tờ trình số 480 của Chính phủ. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh, không gây sức ép lên trần nợ công nhưng không thể thoái thác nghĩa vụ với người lao động chỉ vì trần nợ công của Chính phủ.

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang