Hiện tại, LPG được quản lý chất lượng theo QCVN 8:2012/BKHCN được ban hành theo Thông tư số 10/2012/TT-BKHCN ngày 12/4/2012 ”Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)” của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó quy định các mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với khí dầu mỏ hóa lỏng sử dụng làm khí đốt và dùng làm nhiên liệu cho động cơ của phương tiện giao thông đường bộ, nhằm triển khai Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh LPG.
QCVN 8:2012/BKHCN được ban hành năm 2012 đã góp phần giúp công tác quản lý chất lượng LPG tốt hơn, đảm bảo an toàn về môi trường, sức khỏe. Tuy nhiên, do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, tác động xấu đến môi trường sinh thái, mà các vấn đề về nhiên liệu cũng góp phần không nhỏ vào tiến trình biến đổi khí hậu thì quy chuẩn này cũng cần được soát xét để cập nhật những nội dung kỹ thuật mới nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý về an toàn môi trường, sức khỏe. Bên cạnh đó, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí, thay thế Nghị định 107/2009/NĐ-CP.
Bà Hà cho biết, theo kế hoạch xây dựng, soát xét TCVN, QCVN năm 2018, Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đang tiến hành soát xét lại QCVN 8:2012/BKHCN nhằm cập nhật những nội dung kỹ thuật mới nhất để đảm bảo sự phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định 19/2016/NĐ-CP cũng như bổ sung các chỉ tiêu kỹ thuật, cập nhật các tiêu chuẩn phương pháp thử phiên bản mới nhất.
Cụ thể, trong phần thuật ngữ, định nghĩa đã bổ sung hoàn thiện các thuật ngữ, định nghĩa phù hợp với thực tế và quy định kỹ thuật trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn quốc gia của các nước như Malaysia, Ấn độ… Đối với phần quy định kỹ thuật, đã phân tách riêng hai loại, quy định kỹ thuật cho LPG sử dụng làm khí đốt dân dụng và khí đốt công nghiệp và quy định kỹ thuật cho LPG sử dụng làm nhiên liệu cho phương tiện giao thông nhằm quy định các mức chất lượng phù hợp hơn với mục đích sử dụng.
Về phương pháp thử đã cập nhật các tiêu chuẩn phiên bản mới nhất, cũng như loại bỏ các phiên bản tiêu chuẩn đã bị thay thế. Về nội dung quản lý đã cập nhật và chỉnh sửa lại nội dung cho phù hợp các văn bản quy định mới nhất.
“Hiện nay, dự thảo QCVN đang được Bộ Khoa học và Công nghệ gửi lấy ý kiến rộng rãi, theo kế hoạch sẽ trình ban hành vào cuối năm nay”, bà Hà cho hay.
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG, ngăn chặn, hạn chế tối đa những vi phạm có thể xảy ra trong kinh doanh LPG, góp phần ổn định thị trường, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 14/10/2017 yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh LPG.
Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện tại, có thể nói việc quản lý kinh doanh LPG ở Việt Nam hiện nay là khá chặt chẽ, bảo đảm cho việc kinh doanh LPG ở Việt Nam ngày càng được lành mạnh hơn, bảo đảm theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, bà Hà thông tin thêm.
Hiện, nguồn LPG cung cấp cho thị trường nước ta khoảng gần 50 % là nhập khẩu (từ các nước lân cận như Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Singapore) và khoảng hơn 50 % được sản xuất trong nước (từ các công ty của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhà máy xử lý khí Cà Mau…). Dự kiến, năm 2019, với sản lượng sản xuất LPG của Nhà máy lọc dầu Dung Quất khoảng 500.000 tấn/năm, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và GPP Cà Mau khoảng 400.000 tấn/năm, Công ty CP Dầu khí Đông Phương khoảng 12.000 tấn/năm… sẽ đáp ứng trên 50 % tổng nhu cầu LPG của cả nước.
Theo Vietq