Việc hình thành quy chuẩn cho dòng sản phẩm này là điều cần thiết, nhằm bảo đảm tính pháp lý rõ ràng trong quản lý, bảo đảm an toàn cũng như hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
Nguồn cung và cầu lớn
Khí thiên nhiên hóa lỏng hiện được mua bán rất phổ biến trên thị trường quốc tế và trở thành nguồn năng lượng quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, các nước châu Âu và Bắc Mỹ… Các nước xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới thuộc khu vực Trung Đông, Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia), Australia, Nga. Khu vực Đông Bắc Á là thị trường tiêu thụ LNG truyền thống với Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới với sản lượng mỗi năm khoảng 80 triệu tấn.
Đối với LNG, theo dự kiến, Việt Nam sẽ nhập khẩu, xây dựng các cảng, kho chứa và tái hóa khí nhằm nâng cao khả năng cung cấp khí cho nhu cầu trong nước. Đầu mối kinh doanh lớn nhất trên thị trường hiện vẫn là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), đơn vị này cũng đang triển khai hai dự án, gồm: cảng tiếp nhận tàu chở LNG tại Bà Rịa - Vũng Tàu (công suất từ 1 đến 1,5 tỉ mét khối khí/năm) và dự án xây dựng kho cảng LNG tại Sơn Mỹ, Bình Thuận (công suất giai đoạn đầu 3,6 triệu tấn/năm).
PVGas - thành viên của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và các công ty thành viên của PVGas là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất, kinh doanh và phân phối khí thiên nhiên với tổng sản lượng sản xuất, phân phối khoảng 10 tỷ m3 khí/năm. Trong đó sản lượng khí CNG khoảng 300 triệu m3 khí/năm, bằng 3% tổng sản lượng khí thiên nhiên sản xuất, phân phối ra thị trường. Phần lớn lượng CNG này được cung cấp cho các hộ công nghiệp tại Đông Nam Bộ và miền Bắc (tổng khách hàng công nghiệp khoảng 80 hộ). Một lượng nhỏ (khoảng 3 triệu m3 khí CNG tương ứng 1% lượng CNG sản xuất ra) được cung cấp cho các phương tiện vận tải. CNG của PVGas được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở TCCS 04:2012/PVGas và TCCS 01:2016/PVGas của doanh nghiệp và theo các hợp đồng sản xuất.
Điều đó càng cho thấy, hoạt động kinh doanh các mặt hàng LNG và CNG ở Việt Nam ngày càng phổ biến theo xu thế chung của thế giới. Nguồn cung và nhu cầu của các loại mặt hàng này là rất lớn. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng các mặt hàng khí trên chưa được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mà chỉ dừng lại ở việc tự công bố chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Trong khi đó, sản phẩm khí thiên nhiên có ảnh hưởng đến an toàn của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ công nghiệp cũng như an toàn tính mạng của người tham gia trên các phương tiện giao thông chạy khí thiên nhiên.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về CNG và LNG bảo đảm sự an toàn, sức khỏe con người cũng như phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh
Để giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn
Để bảo đảm sự an toàn, sức khỏe con người cũng như phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện Nghị định 19/2016/NĐ-CP về Kinh doanh khí do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/3/2016, theo kế hoạch năm 2017, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thiên nhiên nén và khí thiên nhiên hóa lỏng, đồng thời xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia về khí thiên nhiên liên quan đến việc áp dụng quy chuẩn.
Việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia nhằm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về đo lường, chất lượng đối với các loại khí thiên nhiên, quy định thực hiện thống nhất trong cả nước; quản lý, thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng khí sản xuất, chế biến, nhập khẩu, pha chế, giao nhận, vận chuyển và lưu thông trên thị trường.
Quy chuẩn đã đưa ra quy định các mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật nhằm mục đích giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khỏe, môi trường.
Các hợp chất lưu huỳnh, hydro sulfua, cacbon dioxit có trong khí thiên nhiên khi có nước tự do sẽ làm gia tăng sự ăn mòn của các thành phần kim loại như: bình chứa trong phương tiện giao thông; bình chứa tĩnh trong trạm nạp nhiên liệu; đường ống; móc nối nạp nhiên liệu; các van nói chung; bộ điều khiển; hệ thống bơm.
Nước: giới hạn hàm lượng nước để giảm thiểu sự ăn mòn các thành phần kim loại trong đường ống dẫn khí, phương tiện giao thông. Nước dạng lỏng kết hợp với các chất ăn mòn và tuần hoàn áp suất, gây ra bởi sự tiêu thụ nhiên liệu và nạp lại tiếp theo của thùng chứa tồn trữ nhiên liệu, có thể dẫn đến sự phát triển rạn nứt trong kim loại và tạo ra sự hư hại và hỏng hóc. Nước dạng lỏng cũng có thể gây ra các thiệt hại như tắc nghẽn, cả chất lỏng và chất rắn, trong hệ thống nhiên liệu.
Tạp chất: về mặt kỹ thuật, khí thiên nhiên khi được giao hàng phải hạn chế đến mức thấp nhất các tạp chất dạng hạt. Hàm lượng dầu có thể có của khí thiên nhiên phải không có tác động xấu đến sự vận hành an toàn của phương tiện giao thông vận tải… Và đặc biệt nữa là khí thiên nhiên cấp cho phương tiện giao thông phải được tạo mùi để đảm bảo tính an toàn trong sử dụng.
Ngoài ra, quy chuẩn cũng quy định các phương pháp thử tương ứng và các yêu cầu cơ bản đối với quản lý chất lượng đối với CNG và LNG. Các phương thức đánh giá chứng nhận sự phù hợp và nguyên tắc áp dụng được quy định tại Điều 5 và Phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, chế biến, nhập khẩu và phân phối CNG và LNG tại Việt Nam.
Nguồn VietQ