Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 nhằm cụ thể hóa khát vọng xây dựng Bắc Ninh trở thành một động lực tăng trưởng mới trong khu vực đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển, là nơi đáng sống trên chặng đường hội nhập và phát triển. Đây là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh bởi Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý, động lực thúc đẩy tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá mà các nghị quyết đã đề ra.
Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ…
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, Quy hoạch tỉnh là kết quả từ sự chỉ đạo sát sao, trách nhiệm, tầm nhìn của các lãnh đạo tỉnh; sự tâm huyết và trí tuệ của Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh cũng như các sở, ban, ngành và đội ngũ chuyên gia tư vấn, cùng sự đồng thuận của nhân dân trong 3 năm triển khai xây dựng quy hoạch.
Chia sẻ về quá trình triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đình Xuân cho biết, đây là lần đầu tiên Bắc Ninh thực hiện lập Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, nghĩa là tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực riêng lẻ trước đây vào Quy hoạch tỉnh. Vì vậy, quá trình lập quy hoạch đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương cũng như sự tham vấn, thẩm định của các bộ, ngành, các nhà khoa học trung ương, các chuyên gia quốc tế và các tỉnh bạn.
Trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh, các cơ quan, đơn vị cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do đây là một nhiệm vụ phức tạp, bao trùm nhiều nội dung, phạm vi nghiên cứu rất rộng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, đơn vị. Một số nội dung cần sự hướng dẫn của các Bộ, ngành để phù hợp với Luật Quy hoạch, quy định của Chính phủ và tình hình thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, với việc chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương để đối thoại, chia sẻ thông tin và giải quyết các vấn đề vướng mắc phục vụ công tác lập Quy hoạch tỉnh, Sở KH&ĐT đã từng bước tháo gỡ được những khó khăn đó để cho ra được bản Quy hoạch chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
“Những yếu tố cốt lõi mang tới thành công, đó là: Các sở, ngành, địa phương luôn xác định xây dựng Quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhằm góp phần khơi thông các nguồn lực, tháo gỡ nút thắt; tăng cường kết nối, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh để đón dòng dịch chuyển vốn đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Do đó, các ngành đã tích cực đề xuất các nội dung đưa vào Quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp quy hoạch, bảo đảm tiến độ, tính liên kết, đồng bộ, kế thừa và hệ thống giữa các quy hoạch”, ông Nguyễn Đình Xuân cho hay.
…Mở ra không gian phát triển mới
Theo ông Đinh Nam Thắng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh, Quy hoạch tỉnh đóng vai trò quan trọng như một “công cụ” quản lý và định hướng mang tầm chiến lược, do đó phải luôn đi trước để “mở đường”, để “dẫn dắt” quá trình phát triển toàn diện. Đặc biệt, quy hoạch tỉnh tốt với tầm nhìn chiến lược sẽ là cơ sở, nền tảng cho việc hoạch định “đúng và trúng” các chính sách phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương. Việc hoàn thiện, phê duyệt và công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là cơ sở, tiền đề, điều kiện đánh thức tiềm năng, dư địa, lợi thế, tạo bước đột phá với những động lực tăng trưởng mới, mở ra tầm nhìn mới cho Bắc Ninh trong tiến trình phát triển.
Theo đó, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ được phân thành 3 vùng và 5 hành lang kinh tế. Cấu trúc vùng đô thị được định hướng thành vùng nội thành ở phía Bắc sông Đuống và vùng ngoại thành ở phía Nam sông Đuống gồm:
Vùng đô thị trung tâm Bắc Ninh (vùng nội thành gồm địa giới hành chính của thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du, thị xã Quế Võ và huyện Yên Phong) phát triển theo mô hình cấu trúc chùm đô thị đa năng.
Vùng ngoại thành gồm đô thị vệ tinh (thị xã Thuận Thành), cùng khu vực phát triển Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp là huyện Gia Bình và Lương Tài.
Vùng phát triển công nghiệp, công nghệ cao gồm các huyện, thị xã: Yên Phong, Tiên Du, Lương Tài, Thuận Thành và Quế Võ.
Đồng thời, Quy hoạch tỉnh cũng thể hiện cấu trúc không gian được kết hợp giữa cấu trúc mạng hướng tâm và 5 hành lang phát triển gồm:
Hành lang phát triển đô thị, dịch vụ dọc Quốc lộ 1, nối Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh, kết hợp với trục phát triển đô thị Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang.
Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp dọc Quốc lộ 18, nối từ Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ, xây dựng các đô thị công nghiệp hoàn chỉnh, phát triển các đô thị dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp.
Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái công nghệ cao dọc Quốc lộ 17, nối từ Quế Võ - Gia Bình - Thuận Thành.
Hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc Quốc lộ 38 và Vành đai 4, thành phố Bắc Ninh, thị xã Thuận Thành.
Hành lang sinh thái và phát triển du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian dọc sông Đuống.
Khu vực phát triển mới được phát triển đồng bộ, tập trung, khuyến khích phát triển cao tầng thành các tổ hợp đô thị, dành mặt bằng cho phát triển hạ tầng giao thông thông minh, phát triển các trung tâm dịch vụ làm trọng tâm phát triển các khu vực đô thị mới, tạo nên trung tâm các quận trong tương lai.
Cảng cạn Tân cảng Quế Võ (thị xã Quế Võ) đi vào hoạt động được định vị và kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm logistics lớn của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc
Cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng
Ông Bùi Đăng Thoan, Phó TGĐ công ty TNHH VSIP Bắc Ninh cho biết, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong, ngoài nước và Tập đoàn VSIP. Đây là căn cứ quan trọng để Tập đoàn tiếp tục đầu tư, kêu gọi các đối tác lớn đầu tư hoặc liên doanh, liên kết cùng phát triển, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam trong những năm tới.
Đánh giá cao sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh đối với cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua, ông Kiều Đình Hương, Giám đốc công ty CP Xuân Hòa Hà Nội – Chi nhánh Bắc Ninh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thị xã Quế Võ cho rằng, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết các điểm nghẽn trên quan điểm nhanh nhất, hiệu quả nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dành những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh. Đây là niềm tin, động lực để doanh nghiệp yên tâm khi đã lựa chọn đúng điểm dừng chân để phát triển doanh nghiệp.
"Quy hoạch tỉnh cũng chính là nền tảng, cơ hội và động lực để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, mở rộng kinh doanh, khẳng định vị thế thương hiệu trên bản đồ công nghiệp của cả nước, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, văn hóa và thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai không xa" – ông Kiều Đình Hương cho biết.
Theo ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh sẽ cam kết hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất sẽ thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định; đồng thời sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cùng tỉnh trong đầu tư và phát triển bền vững, đưa Bắc Ninh hoàn thành các nhiệm vụ, tiêu chí đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Diendandoanhnghiep.vn