Thứ Bẩy, 23/11/2024 16:11:54 GMT+7
Lượt xem: 357

Tin đăng lúc 21-12-2023

Quy hoạch tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Quy hoạch tỉnh Hải Dương đã xác định đến năm 2030 phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại
Một góc đô thị tỉnh Hải Dương

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc quy hoạch tỉnh được thông qua được cho là cơ sở pháp lý quan trọng để kết nối đồng bộ quy hoạch các cấp, các ngành. Từ đó định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

 

Mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lớn

 

Theo quy hoạch, với tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Địa phương này cũng phấn đấu trở thành một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

 

Cũng theo quy hoạch, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Quy hoạch cũng xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của tỉnh Hải Dương. Cụ thể, địa phương này sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện, tổng thể vào các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh; lấy kinh tế số là yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tập trung đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho các ngành kỹ thuật cơ khí, điện tử, logistics, y tế, giáo dục…; chú trọng hoạt động của các cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động.

 

Cùng với đó, ban hành các cơ chế chính sách, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Huy động nguồn lực, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng mang tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng nhanh, thuận lợi và hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và hướng tới cho toàn vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển đô thị theo hướng xanh, hiện đại, thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…

 

Tỉnh Hải Dương cũng xác định một trong các đột phá phát triển là tập trung phát triển năm trụ cột chính bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời xây dựng ba nền tảng hỗ trợ. Đó là văn hóa và con người xứ Đông - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

 

Địa phương này cũng sẽ hình thành bốn trục phát triển không gian là trục phát triển Bắc - Nam; trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh; trục phát triển theo hướng đông tây đi qua khu vực phía bắc của tỉnh; trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.

 

Chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ

 

Hải Dương hiện có điều kiện giao lưu kinh tế - xã hội, văn hóa không chỉ với các tỉnh, thành phố nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc mà còn là nơi chuyển tiếp, kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Bắc với các tỉnh phía nam vùng Duyên hải Bắc Bộ. Đồng thời là cầu nối điều hòa và thúc đẩy các chuỗi giá trị hoạt động kinh tế - xã hội của các cực phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng.

 

Do vậy, trong phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Hải Dương sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính. Trong đó, tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai. Đồng thời, tỉnh sẽ duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, bảo đảm an sinh xã hội, dừng thu hút đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp và ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, cụm công nghiệp hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo.

 

Để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, tỉnh Hải Dương sẽ phát triển theo 3 vùng gồm: Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Cẩm Giàng, một phần huyện Ninh Giang và tại TP Hải Dương; vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang và vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

 

Cùng với công nghiệp, địa phương này cũng xác định ngành dịch vụ là một trong hai trụ cột kinh tế chính của tỉnh. Trong đó, mục tiêu trở thành tỉnh có khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn cũng như toàn vùng đồng bằng sông Hồng, góp phần mở rộng chuỗi giá trị sản xuất cùng vùng. Đến năm 2030 phát triển 8 trung tâm logistics ở TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Bình Giang, Kim Thành, Thanh Hà, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Ninh Giang.

 

Theo ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, thời gian qua, công nghiệp Hải Dương đã phát huy được những thế mạnh và lợi thế của tỉnh, từng bước khẳng định Hải Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của cả nước, trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc. Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 sẽ là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước; lấy công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là một trong năm trụ cột chính để tạo đột phá phát triển. Vì vậy, tỉnh Hải Dương sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực.

 

Cũng theo ông Triệu Thế Hùng, quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một trong số các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và là sản phẩm chung của cả nước. Làm tốt quy hoạch của tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của vùng và khu vực.

 

Theo Diễn đàn DN


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang