Thứ Hai, 25/11/2024 09:15:53 GMT+7
Lượt xem: 5007

Tin đăng lúc 20-03-2018

Quy Nhơn thực hiện 4 chương trình hành động để phát triển bền vững

Liên tiếp trong 2 năm 2016, 2017, tỉnh Bình Định là một trong những địa phương miền Trung chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao của tỉnh Đảng bộ, Bình Định đã nỗ lực vươn lên một cách thần kỳ, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Quy Nhơn thực hiện 4 chương trình hành động để phát triển bền vững
Một góc thành phố Quy Nhơn

Thành phố Quy Nhơn là một trong những địa phương tiêu biểu, xứng tầm là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, đã không ngừng thay da đổi thịt bằng 4 chương trình hành động sau Nghị Quyết XIII Đảng bộ thành phố, biến các tiềm năng thành hiện thực, trong đó du lịch Quy Nhơn trở thành mũi nhọn kinh tế.

       

Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Ngô Hoàng Nam - Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn về sự khởi sắc của thành phố trước thềm năm 2018.

 

PV: Được biết sau Đại hội XIII, Đảng bộ thành phố Quy Nhơn đã đề ra 4 chương trình hành động thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội địa phương. Xin ông cho biết, việc triển khai thực hiện 4 chương trình hành động đó đã tác động đến việc vượt khó hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu KT-XH của thành phố Quy Nhơn trong năm 2017 như thế nào?

 

 

Ông Ngô Hoàng Nam - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Quy Nhơn 

 

Ông Ngô Hoàng Nam: Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Quy Nhơn lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, Thành uỷ Quy Nhơn đã ban hành 04 Chương trình hành động đó là: Chương trình hành động về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; Chương trình hành động về hiện đại hoá hành chính và cải cách thủ tục hành chính nhà nước; Về công tác quản lý và chỉnh trang đô thị và chương trình hành động về giảm nghèo bền vững của thành phố Quy Nhơn.

 

Kết quả, trong năm 2017, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất tăng 11,4% so với năm 2016, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp, xây dựng 60,75% - dịch vụ 36,42% - nông, lâm, thủy sản 2,83%; giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN tăng 11,7%, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 11,3%, giá trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản tăng 4,3%.

 

Công tác quản lý quy hoạch, chỉnh trang - quản lý đô thị, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường và lập lại trật tự đô thị có những chuyển biến tích cực, đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, xây dựng nông thôn mới được chú trọng, đến nay đã có 04/04 xã  đạt chuẩn nông thôn mới. 6 khu đô thị mới được đầu tư hình thành trên địa bàn… Nhiều công trình kiến trúc mới được xây dựng được hình thành như: Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành; Tổ hợp không gian khoa học; Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định; Quần thể khách sạn du lịch; Nghỉ dưỡng FLC Nhơn Lý; Chuỗi khách sạn nhà hàng tiêu chuẩn 05 sao dọc trên các trục đường Nguyễn Huệ, Xuân Diệu và An Dương Vương…

 

Các hoạt động văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; Quốc phòng – an ninh được giữ vững; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo. Đặc biệt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng có hiệu quả.

 

PV: Vừa qua, Tạp chí Du lịch Anh - Rough Guides đã bình chọn thành phố biển Quy Nhơn  là 1 trong 3 điểm du lịch hàng đầu ở Đông Nam Á. Xin ông cho biết những nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân thành phố trong việc xây dựng tôn tạo di tích, thắng cảnh để đưa tiềm năng du lịch của Quy Nhơn trở thành mũi nhọn kinh tế góp phần đắc lực vào hiện thực hóa các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2018?

 

 

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC góp phần thay đổi diện mạo du lịch của Thành phố Quy Nhơn

 

Ông Ngô Hoàng Nam: Thành phố Quy Nhơn luôn xác định phát triển du lịch là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của thành phố và đã xây dựng Đề án phát triển du lịch thành phố Quy Nhơn giai đoạn 2016 – 2020. Trong những năm qua, thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch từng bước phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng và xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích, thắng cảnh để phục vụ cho phát triển du lịch của thành phố Quy Nhơn.

 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 37 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có 12 di tích đã được xếp hạng (04 di tích cấp quốc gia: Nhà tù số 9 Đào Duy Từ, Bãi Nhạn – Núi Tam Toà, Tháp Đôi, thắng cảnh Ghềnh Ráng và 08 di tích  cấp tỉnh) và nhiều thắng cảnh, nhiều điểm du lịch như: Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Sẹo, Hòn Khô, Đảo Yến, Hải Giang, bán đảo Phương Mai, Vũng Chua, Cù Lao Xanh, Bãi Dài, Bãi Xép, Quy Hoà, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, Hồ Phú Hoà, FLC Nhơn Lý…

 

Trong năm 2017, khách du lịch Quy Nhơn ước đạt 3.330.000 lượt khách, tăng 15,6% so với năm 2016 (trong đó,: khách quốc tế ước đạt 238.000 lượt, tăng 4%; khách nội địa ước đạt 3.092.000 lượt, tăng 17%). Doanh thu du lịch năm 2017 ước đạt 1.920 tỷ đồng, tăng 42,5% so với năm 2016; góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Quy Nhơn.

 

PV: Năm 2018 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2016-2020), để phát huy lợi thế về tiềm năng và truyền thống, Thành phố Quy Nhơn cần  tập trung vào những mũi nhọn nào để đưa Quy Nhơn tiếp tục khởi sắc và phát triển bền vững?

 

Ông Ngô Hoàng Nam: Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020), việc hoàn thành kế hoạch năm 2018 sẽ góp phần thực hiện tắng lợi nhiệm vụ 05 năm được giao của thành phố. Dự báo năm 2018, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do một số mặt kinh tế - xã hội còn hạn chế.

 

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch năm 2018, thành phố sẽ khắc phục mọi khó khăn, tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

- Tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển với bảo vệ môi trường.

 

- Phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí trong chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện Đề án di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Quang Trung vào sản xuất tập trung tại cụm công nghiệp Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn sau khi được UBND tỉnh thông qua.

 

- Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư trên lĩnh vực thương mại -  du lịch - dịch vụ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch thành phố Quy Nhơn giai đoạn 2016 – 2020; Xây dựng dự án ngầm hóa đường dây điện, cáp viễn thông tại tuyến đường An Dương Vương.

 

- Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả về “Hiện đại hóa hành chính và cải cách thủ tục hành chính nhà nước của thành phố Quy Nhơn giai đoạn 2016 - 2020”;

 

- Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và hoạt động văn hóa – thông tin, truyền thanh, thể dục thể thao. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và chăm sóc, giáo dục trẻ em.

 

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu về cải cách hành chính và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan nhà nước của thành phố và phường, xã trực thuộc. Cải tiến lề lối làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân trong giải quyết công việc.

 

 PV: Xin cảm ơn ông!

                                                                                 Văn Thuận (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang