Thứ Sáu, 22/11/2024 00:35:21 GMT+7
Lượt xem: 1818

Tin đăng lúc 07-06-2019

Rà soát kỹ điều kiện kinh doanh ô tô vận tải, Grab sẽ "có mào"?

Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, gắn hộp đèn cố định trên nóc xe hợp đồng điện tử, được tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi Nghị định 86 để trình Thủ tướng trước 15/6.
Rà soát kỹ điều kiện kinh doanh ô tô vận tải, Grab sẽ "có mào"?
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kỹ việc gắn mào cố định trên nóc xe hợp đồng điện tử, trình Chính phủ trước 15/6 tới.

 

Xe hợp đồng điện tử phải gắn mào?

 

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp rà soát dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, thay thế nghị định số 86.

 

Theo đó, Phó thủ tướng cho rằng dự thảo nghị định còn một số nội dung chưa nhận được sự đồng tình của các Bộ, đơn vị, doanh nghiệp, do vậy, ông yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo nghị định, trình Thủ tướng trước 15/6.

 

Thông báo kết luận nêu rõ, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đã tích cực xây dựng dự thảo Nghị định; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của các nước; lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định vẫn còn một số nội dung chưa nhận được sự đồng tình của các Bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

 

Để bảo đảm tính khả thi khi Nghị định được ban hành, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, cũng như bảo đảm công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh vận tải; tạo hành lang pháp lý để khuyến khích các mô hình đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2019.

 

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để thống nhất những nội dung liên quan đến đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải.

 

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kỹ, toàn diện việc quy định gắn cố định hộp đèn trên nóc xe, trong đó lưu ý đến tâm lý, văn hóa của người thuê xe, lái xe, chủ xe khi phải gắn cố định hộp đèn trên nóc xe và nghiên cứu thêm các hình thức quản lý khác, từ đó thống nhất với Bộ Thông tin Truyền thông, đề xuất quy định phù hợp trong dự thảo Nghị định. 

 

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải được yêu cầu tiếp thu ý kiến của Bộ Công an về việc kết nối, liên thông dữ liệu dùng chung trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, chuyển các quy định về xử lý vi phạm như thu hồi phù hiệu xe, giấy phép kinh doanh vận tải sang dự thảo nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

 

Giữa tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ dự thảo lần 8 nghị định 86 (sửa đổi) về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

 

Theo đó, Bộ này đề xuất xe ôtô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử (tương tự xe Grab) phải có hộp đèn với chữ "xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30 cm. 

 

Theo đại diện Ban soạn thảo, các nội dung trong dự thảo nghị định 86 (sửa đổi) đã được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kỹ cũng như học tập kinh nghiệm thế giới. Ví dụ ở Thái Lan đã quy định hai loại hình là taxi meter và taxi app có gắn hộp đèn trên nóc xe. 

 

Kê khai thuế trên doanh thu

 

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải ngày 5/6, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nêu số lượng xe Grab đang hoạt động nhiều gấp 3 lần số được các cơ quan chức năng thống kê. Và từ chỗ chênh lệnh, Grab chỉ nộp thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng cho 3 năm 2014 - 2016, năm 2017 - 2018 cũng không khá hơn là bao nhiêu trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp thuế cả nghìn tỷ đồng.

 

Cần có giải pháp để không có tình trạng trốn thuế, bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ, ông Hòa cho hay.

 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết,  việc thu thuế taxi công nghệ là hoàn toàn chính xác. Bộ Tài chính đã nghiên cứu áp dụng tối đa các quy định pháp luật quản lý thuế và các luật thuế hiện hành để quản lý thu thuế taxi công nghệ thông qua công tác tuyên truyền, công tác hỗ trợ, thanh tra và kiểm tra.

 

Pháp luật về thuế áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp như là thuế suất, điều kiện ưu đãi, chế độ miễn giảm.

 

Theo đó, doanh nghiệp xác định được doanh thu, chi phí thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp Grab, Vinasun, Mai Linh nộp thuế theo phương pháp kê khai và tỷ lệ trên doanh thu, Bộ trưởng khẳng định.

 

Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh taxi công nghệ được coi như một loại hình kinh doanh vận tải, giống như các mô hình kinh doanh khác. Theo đại diện Ban soạn thảo, các nội dung trong dự thảo nghị định 86 (sửa đổi) đã được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kỹ cũng như học tập kinh nghiệm thế giới. Ví dụ ở Thái Lan đã quy định hai loại hình là taxi meter và taxi app có gắn hộp đèn trên nóc xe. 

 

Thành An

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang