Thứ Năm, 21/11/2024 22:59:14 GMT+7
Lượt xem: 5853

Tin đăng lúc 15-12-2017

Rác thải điện tử năm 2016 có thể xây được 4.500 tháp Eiffel

Báo cáo cũng ước tính rằng, giá trị nguyên vật liệu trong tất cả các chất thải điện tử năm 2016 là khoảng 55 tỷ Euro (64,7 tỷ USD), nhiều hơn GDP của hầu hết các quốc gia.
Rác thải điện tử năm 2016 có thể xây được 4.500 tháp Eiffel

Hàng chục triệu tấn rác thải điện tử bị vứt bỏ trên thế giới

 

Thế giới đang có những tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề môi trường như rác thải nhựa và ô nhiễm chất thải nhựa. Tuy nhiên, điều này dường như là chưa đủ. Con người cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ hành tinh xanh. Một lĩnh vực cũng đang rất cần sự chú ý là làm thế nào để đối phó với lượng rác thải điện tử khổng lồ như: thiết bị điện tử, thiết bị gia dụng và các sản phẩm khác có pin hoặc phích cắm. Theo báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2017" của trường Đại học Liên Hợp Quốc (UNU), chất thải điện tử đã tăng đáng kể từ năm 2014 đến năm 2016.

 

Trong năm 2016, lượng rác thải điện tử đã vượt quá con số 44,7 triệu m3 (tương đương 49,3 triệu tấn), cao hơn 8% so với năm 2014 (41,4 triệu m3).

 

Chất thải này bao gồm TV, điện thoại thông minh, tấm pin năng lượng mặt trời, tủ lạnh và nhiều thiết bị khác. Con số này dự kiến sẽ tăng thêm 17% vào năm 2021, lên tới 52,2 triệu m3 (tương đương 58 triệu tấn).

 

Hơn thế nữa, chỉ có 20% chất thải điện tử của thế giới được công bố vào năm 2016, có nghĩa là chỉ một phần nhỏ chất thải được thu thập và tái chế. Báo cáo cho thấy chỉ 4% chất thải điện tử được xử lý tại các bãi chôn lấp, trong khi 76% chất thải còn lại có thể bị đốt, tái chế bởi các tổ chức thứ ba, hoặc được lưu trữ trong nhà của người dân.

 

Ông Jakob Rhyner, Giám đốc Viện Môi trường và An ninh Nhân dân UNU, cho biết: "Rác thải điện tử trên thế giới đang ngày càng gia tăng. Cải thiện đo lường rác thải điện tử là rất cần thiết để thiết lập, quản lý các mục tiêu, và đề ra các chính sách. Dữ liệu của các quốc gia nên được so sánh với quốc tế, cũng như phải thường xuyên cập nhật, công bố và giải thích rõ ràng."

 

Trong một thông cáo báo chí, Đại học Liên Hiệp Quốc đã so sánh trọng lượng của chất thải điện tử vào năm 2016 với "9 kim tự tháp lớn của Giza, 4.500 tháp Eiffel, hay 1,23 triệu xe tải 20 tấn có 18 bánh xe, đủ để tạo thành 1 con đường đi từ New York đến Bangkok và ngược lại."

 

Hiện rác thải điện tử đang là mối quan ngại của nhiều nước trên thế giới do đây là loại rác thải cực kỳ độc hại, có thể hủy diệt môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người như gây ra các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh.

 

Tái chế rác điện tử - Thị trường tỷ đô trong tương lai

 

Cách thức mà điện thoại thông minh và TV được sản xuất và phân phối đã làm gia tăng nhu cầu nâng cấp thiết bị điện tử của người tiêu dùng. Khả năng chi trả cũng là một trong những nhân tố tác động. Nếu TV cũ, máy hút bụi cũ, hoặc điện thoại cũ không được nhượng lại cho bạn bè hay các thành viên khác trong gia đình, có khả năng rất cao là chúng sẽ bị thải loại.

 

Báo cáo cũng cho thấy, rác điện tử từ các thiết bị nhỏ (máy hút bụi, máy cạo râu điện, máy ảnh), thiết bị lớn (máy giặt, máy sấy quần áo) và "thiết bị trao đổi nhiệt độ" (tủ lạnh, tủ đông, máy lạnh) sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới. 3 nhóm chính này chiếm 75% chất thải điện tử toàn cầu. Trong khi lượng rác từ điện thoại, TV, màn hình máy tính, máy in và các loại đèn sẽ tăng trưởng chậm hơn.

 

Tính theo đầu người, Australia, New Zealand, và các quốc gia thuộc Châu Đại Dương đóng góp rác thải điện tử nhiều nhất thế giới, ở mức 17,3 kg/người. Châu Âu là nơi có rác thải điện tử lớn thứ hai với mật độ trung bình 16,6 kg/người, theo sau là Bắc Mỹ và Nam Mỹ với 11,6 kg/người.

 

 

Tái chế rác thải điện tử ở Trung Quốc.

 

Để xử lý lượng chất thải điện tử trên toàn thế giới, báo cáo khuyến khích cần cải tiến việc theo dõi và quá trình thu hồi tài nguyên trong chất thải điện tử. Tuy nhiên, việc thiết kế các công cụ, thiết bị để tái chế rác thải điện tử cũng sẽ mất một thời gian dài.

 

Ở đây, báo cáo không nói rằng tất cả các quốc gia trên thế giới đã lãng quên chất thải điện tử của họ. Trên thực tế, theo báo cáo, có gần 66% dân số thế giới đang sống ở các quốc gia có luật quản lý chất thải điện tử tại chỗ. Đó chỉ là vấn đề thực thi các quy định này, làm cho mọi người biết về chúng và đảm bảo chuẩn hóa mọi thứ để tránh nhầm lẫn.

 

Cải thiện các chính sách này không chỉ giúp cứu môi trường sống của chúng ta; nó còn giúp tạo thêm nhiều việc làm mới về tái chế chất thải có giá trị này. Theo nghiên cứu trên, trong số rác thải điện tử bị vứt bỏ trong năm 2016 có tới 1 triệu tấn pin sạc. Báo cáo ước tính, giá trị nguyên vật liệu (như vàng, bạc, đồng) trong tất cả các chất thải điện tử trong năm 2016 là khoảng 55 tỷ Euro (64,7 tỷ USD), nhiều hơn GDP của hầu hết các quốc gia.

 

Ông Brahima Sanou, Giám đốc Liên minh Viễn thông Quốc tế, cho rằng: "Các chính sách về chất thải điện tử quốc gia sẽ giúp giảm thiểu chất thải điện tử, ngăn chặn việc bán phá giá bất hợp pháp và xử lý rác thải không đúng cách, thúc đẩy tái chế và tạo việc làm trong ngành tân trang và tái chế."

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang