Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 11/2016, tổng giá trị NK mặt hàng rau đạt 814 triệu USD (tăng 44% so với cùng kỳ năm 2015).
Tính riêng trong 10 tháng năm 2016, tổng giá trị NK mặt hàng rau quả đạt 732 triệu USD. Thái Lan chiếm thị phần NK cao nhất 44%, cao hơn gần gấp đôi so với con số 23% của Trung Quốc. Về XK, lũy kế 11 tháng qua đạt tổng giá trị trên 2,178 tỷ USD, với các thị trường chủ lực gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Hơn 7.200 tỷ mua rau quả Thái
Những con số thống kê cho thấy Thái Lan đang chiếm vị trí “độc tôn” với 44% thị phần NK mặt hàng rau quả tại Việt Nam. Như vậy, chỉ trong 10 tháng năm 2016, NTD Việt Nam chi hơn 322 triệu USD (tương đương hơn 7.200 tỷ đồng) mua rau quả Thái Lan.
Khảo sát tại các cửa hàng, siêu thị, khu chợ trên địa bàn Hà Nội, cho thấy rau quả Thái ngày càng phổ biến và được NTD ưa chuộng. Trong đó, hoa quả vẫn là mặt hàng chủ lực, với các loại phổ biến như me, bòn bon, sapoche, xoài, quýt, sầu riêng…
Giá cả bình quân của trái cây Thái thường cao hơn khá nhiều so với trái cây Trung Quốc và Việt Nam. Điển hình như bòn bon Thái loại một có từ 190.000 - 200.000 đồng (cao gấp đôi hàng nội), mít Thái từ 100.000 - 120.000 đồng, me Thái từ 80.000 - 90.000 đồng, các loại xoài, chôm chôm, táo Thái có giá bình quân từ 40.000 - 80.000 đồng,…
Theo đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, rau quả ngoại đang chiếm khoảng 1/3 lượng hàng tại các siêu thị, trong đó hàng Thái Lan với ưu thế về chất lượng, mẫu mã, giá thành không quá cao đang ngày càng được lòng NTD thủ đô.
“Trái cây Thái Lan được ưa chuộng bởi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá thành hợp lý, cộng với cách làm thương hiệu khôn ngoan của người Thái giúp trái cây Thái chiếm được lòng tin NTD Việt. Có tiềm năng ngang nhau, nhưng nếu không kịp thời thay đổi, rau quả Việt có nguy cơ thua ngay trên “sân nhà”, ông Võ Hữu Thoại - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nhận định.
Theo các cơ quan chức năng, rau quả Thái Lan (đặc biệt là hoa quả) nhập theo đường tiểu ngạch cũng không kém gì hàng Trung Quốc. Thực tế cho thấy, con số thống kê lượng trái cây chính ngạch, được các cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng, chỉ là bề nổi. Còn một số lượng lớn từ con đường tiểu ngạch thì chất lượng gần như còn bỏ ngỏ.
Cẩn trọng rủi ro
Chị Phan Thiên Kim - chủ cửa hàng hoa quả lớn gần Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ: “Không ít thương lái có tiếng thường chào giá rất thấp các loại trái cây Thái Lan. Dù được quảng cáo chất lượng tốt, nhưng chúng tôi không dám nhận vì không rõ nguồn gốc và biết chắc chất lượng không cao. Tuy nhiên, tại rất nhiều nơi vì lợi nhuận vẫn chấp nhận bày bán, NTD cần cẩn trọng”.
Trước đó, hồi giữa năm 2016, Mạng lưới Cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) công bố kết quả khảo sát cho thấy hơn 50% các loại rau quả Thái Lan được Chính phủ dán nhãn Q đạt chất lượng phát hiện có tồn dư chất hóa học vượt tiêu chuẩn cho phép.
Trong đó, 46,6% số mẫu (trong 138 mẫu) rau quả phổ biến tại Bangkok, Chiang Mai có tồn dư hóa chất, 100% mẫu cam và ổi, 71,4% thanh long, 66,7% đu đủ, và nhiều loại hoa quả khác có chứa tồn dư độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép. Đáng chú ý, có 46% lượng rau quả lấy mẫu tại các cửa hàng hiện đại (giá cao hơn) cũng có lượng tồn dư vượt ngưỡng cho phép.
Kết quả khảo sát của Thai-PAN không chỉ khiến NTD giật mình, mà còn là minh chứng cho thấy hàng Thái “chính hiệu” cũng chưa chắc bảo đảm chất lượng. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho NTD Việt Nam khi lựa chọn rau quả Thái Lan.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết Cục BVTV đang phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt ràng rau củ, trái cây NK, trong đó có hàng Thái Lan. ATVSTP đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, vì vậy công tác kiểm soát tại cửa khẩu càng được siết chặt hơn.
“Tuy nhiên, rất khó để kiểm soát được lượng rau quả nhập qua đường tiểu ngạch. Vì vậy, NTD nên tỉnh táo, lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, để khi có sự cố, các thông tin trên bao bì sẽ là cơ sở để truy suất trách nhiệm và được bảo vệ quyền lợi”, ông Hoàng Trung, nhấn mạnh.
Nguồn Thời báo Kinh doanh