Tại vựa rau màu Văn Đức huyện Gia Lâm, do bị ảnh hưởng mưa bão vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 nên nhiều diện tích rau màu vụ đông của địa phương bị ảnh hưởng, một phần diện tích ngập úng phải gieo trồng lại. Ngay sau khi thời tiết thuận lợi trở lại, các hộ dân đã khẩn trương làm đất, xuống giống các loại rau màu ngắn ngày. Hiện, nông dân xã Văn Đức đang thâm canh hơn 200ha rau màu.
Chị Trần Thị Lý, xã Văn Đức cho biết: “Hơn 2 sào rau cải đang cho thu hoạch, thương lái đến tại ruộng thu mua với giá 6.000 đồng/bó, đắt gấp 2 lần so với rau chính vụ"...
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết: Các loại rau hiện đang được bán với giá khá cao: Dưa chuột 25.000 - 30.000 đồng/kg, ngọn bí 15.000 -20.000 đồng/bó, bí bao tử có giá 30.000 đồng/kg, mướp đắng 35.000 đồng/kg… Với thời gian trồng và chăm sóc khoảng 30-35 ngày cho thu hoạch 1 lứa, trung bình mỗi sào rau cho thu nhập 3,5-4 triệu đồng/lứa...”.
Tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, nơi được xem là vựa rau lớn nhất nhì của Hà Nội, không khí hết sức nhộn nhịp. Bà con tất bật thu hoạch rau củ, xuống giống vụ mới.
Chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Đông Cao, phấn khởi cho biết, giá rau củ hiện đang tốt, như củ cải thu mua đến 15.000 đồng/kg, gấp hơn 10 lần thời điểm rớt giá thảm hại ghi nhận hồi đầu năm (chỉ khoảng 1.500 đồng/kg).
Vựa rau xã Tráng Việt đang canh tác nhiều chủng loại, nhưng nhiều nhất vẫn là củ cải, cải Đông Dư, cải ngồng. Giá các loại rau củ dao động từ 13.000 – 15.000 đồng/kg; cao hơn nhiều so với mức bình quân mà nông dân nơi đây thu về trong nhiều năm qua. Với mỗi sào canh tác rau củ, bà con nông dân thu hoạch được khoảng 1 tấn sản phẩm. Thực tế, khối lượng thu được có thể lớn hơn, lên đến 1,5 – 2 tấn/sào.
Theo Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Lê Xuân Thành, toàn xã có khoảng 200ha rau củ quả, với khoảng 800 hộ tham gia sản xuất, tập trung chủ yếu tại thôn Đông Cao. Nhiều diện tích đã được thương lái về mua tận ruộng từ trước khi thu hoạch. “Bình thường thì 1 sào canh tác cải Đông Dư bán 7 triệu đồng cũng đã có lãi. Nay giá bán cho thương lái được gấp đôi nên nông dân rất phấn khởi” – ông Thành cho biết thêm.
Tại nhiều vùng rau chuyên canh của Hà Nội như: Vân Nội (huyện Đông Anh), Thanh Đa (huyện Phúc Thọ), Văn Phú (huyện Thường Tín), Khai Thái (huyện Phú Xuyên)…, nhiều loại rau màu (cúc, mùng tơi, cà, rau thơm các loại) bắt đầu vào vụ thu hoạch. Với giá bán cao hơn rau chính vụ từ 1,5-2 lần, người trồng rau màu có lãi từ 3,5-4 triệu đồng/sào/lứa. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, nông dân đã mạnh dạn đầu tư nhà màng, nhà lưới thị trường dịp khan hiếm, mang lại thu nhập cao.
Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến giá rau củ tăng cao là nguồn cung thiếu hụt. Đây là hậu quả của mưa nhiều thời gian qua, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Cùng với đó, một bộ phận bà con tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Không chỉ tại Hà Nội, tại các tỉnh: Hải Dương, Nghệ An, Hòa Bình…, nông dân cũng đang phấn khởi vì giá rau xanh cao và tiêu thụ thuận lợi. Qua tính toán của các địa phương, mỗi sào trồng su hào, trừ chi phí, nông dân có lãi từ 5 đến 5,5 triệu đồng/lứa; bắp cải thu lãi từ 5,5 đến 6,5 triệu đồng/sào/lứa; súp lơ có lãi từ 5 đến 6 triệu đồng/sào/lứa.
Theo Hanoimoi.com.vn