Chia sẻ với VnBusiness bên lề hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 7: “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh”, các chuyên gia cho hay lạm phát Việt Nam đang ở mức thấp trước mắt có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhất là trong việc kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và xăng dầu. Tuy nhiên, sự gia tăng giá lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng vào dịp cuối năm có thể làm tăng chi phí sinh hoạt và tiêu dùng, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.
Hàng hoá thiết lập mặt bằng giá mới
Khảo sát tại các chợ truyền thống tại Hà Nội cho thấy rau xanh tăng 10-20% so với đầu năm và gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trong khi loại củ quả như cà chua, bí đỏ… đắt thêm 30-35%.
Không chỉ rau xanh, giá thịt lợn, gà, cá và hải sản cũng tăng vọt. Mỗi kg cá trắm khoảng 100.000 đồng, tôm từ 270.000 - 350.000 đồng/kg, thịt lợn cũng tăng 20-28% so với cùng thời điểm năm trước lên từ 110.000-180.000/kg.
Ghi nhận tại các tỉnh, thành ở miền Bắc, lợn hơi ngày 17/10 được thu mua với giá 65.000 - 70.000 đồng/kg - cao nhất cả nước, trong khi miền Trung và miền Nam mức giá phổ biến từ 62.000 - 65.000 đồng/kg.
Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết sau bão Yagi nhiều trang trại bị thiệt hại, một lượng lợn rất lớn bị chết hoặc hộ nuôi phải bán tháo do chuồng trại ngập sâu trong nước lũ. Thế nên, nguồn cung bắt đầu khan hiếm, đẩy giá lên cao. Trong khi tại miền Trung và miền Nam người chăn nuôi cũng đang đối diện với dịch tả lợn châu Phi cũng khiến nguồn cung sản phẩm này giảm mạnh.
"Dịch bệnh cùng với mưa bão khiến hơn 26.000 con gia súc và gần 3 triệu gia cầm bị chết. Việc tái đàn ở miền Bắc gặp khó khăn", đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nói, dự báo lợn hơi có thể vượt 70.000 đồng/kg thời gian tới, đẩy giá bán lẻ tại chợ tăng tiếp.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang ở mức cao, gây áp lực lớn cho người tiêu dùng. "Mỗi thứ đắt thêm một ít, đẩy chi phí bữa ăn hàng ngày của gia đình thêm 10%", chị Thu Hiền (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Trong bối cảnh giá cả hàng hoá đối mặt với thách thức, từ ngày 11/10 giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 4,8%, lên mức mới là hơn 2.100 đồng/kWh, - đây là nhiên liệu đầu vào cho sản xuất càng khiến nhiều người lo ngại giá cả hàng hoá tiếp tục bị đẩy lên cao trong trong quý cuối năm 2024.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Minh Quân chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Hà Nam cho biết, gia đình ông nuôi lợn theo mô hình tự động hoá từ khâu phối trộn thức ăn, cho ăn tự động, tắm tự động cho đến làm mát tự động. Tiền điện một tháng vào khoảng 60 triệu đồng, sau khi tăng giá điện, tính ra mỗi tháng sẽ tốn thêm khoảng 3,8 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các sản phẩm như rau củ quả không tác động quá lớn, còn thịt lợn, gạo... chiếm tỷ trọng lớn hơn. Theo tính toán giá thịt lợn cứ tăng 10% sẽ tác động làm tăng CPI 0,34 điểm %.
Minh chứng rõ ràng là CPI tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 9 tăng cao là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình; giá thuê nhà ở tăng.
Lạm phát cuối năm có tăng “nóng”?
Câu hỏi được đặt ra là CPI sẽ diễn biến ra sao trong quý cuối năm 2024. Theo phân tích từ Khối Nghiên cứu - Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS Research), vẫn có một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn khiến CPI tăng nhẹ trong cuối năm do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu, hàng hóa quốc tế và các căng thẳng địa chính trị.
Ngoài ra, nhóm lương thực, thực phẩm cũng đứng trước áp lực tăng giá, đặc biệt là vào dịp lễ hội cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Chỉ số giá thực phẩm đã tăng 8,4% trong tháng 9 so với cùng kỳ và dự kiến tiếp tục chịu áp lực tăng do điều kiện thời tiết và nguồn cung gặp khó khăn.
Đáng chú ý, việc điều chỉnh giá điện, dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý IV tăng khoảng 0,04 điểm %. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn lạc quan cho rằng Việt Nam đang kiểm soát lạm phát rất tốt. Minh chứng là lạm phát bình quân trong 6 tháng đầu năm ở mức 4,1% đã giảm về 3,9% trong tháng 9. Điều này sẽ tạo dư địa đạt mục tiêu cả năm 4-4,5% như Quốc hội đề ra.
Tổng cục Thống kê cho rằng mức này được đánh giá là tác động không đáng kể đến mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay, nhất là trong bối cảnh CPI 9 tháng qua được kiểm soát tốt, tạo dư địa để giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận định: "Theo tính toán của chúng tôi, dư địa này nếu như để đạt mức cao nhất mà Quốc hội cho phép trong năm nay đối với lạm phát là 4,5% thì quý IV, lạm phát có thể tăng 6,4%. Điều này là khó xảy ra".
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, căng thẳng địa chính trị, gồm các cuộc xung đột ở Trung Đông và Nga - Ukraine có thể tác động tới giá dầu và có khả năng gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, theo giám đốc ADB, hiện nay lạm phát không phải là vấn đề lớn của Việt Nam do các yếu tố như tăng lương và điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý diễn ra có lộ trình và kiểm soát tốt. "Dự báo lạm phát vẫn ở mức 4% cho cả năm 2024 và 2025", ông Shantanu Chakraborty nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong dài hạn, nếu các biện pháp kiểm soát giá cả không được thực hiện nghiêm ngặt, lạm phát có thể quay trở lại, đe dọa sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Để hỗ trợ tiêu dùng nội địa, các chính sách như giảm thuế VAT, tăng lương cơ bản và giảm lãi suất vay đang được triển khai. Song, cần có sự giám sát chặt chẽ để tránh tạo ra các tác động ngược, gây áp lực thêm cho lạm phát.
Theo VNbusiness