Đây thực sự là một bước tiến lớn trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo các robot bay tối giản hóa – vốn có kích thước quá nhỏ để hỗ trợ việc trang bị nguồn tự cấp năng lượng, mà thường phải dựa vào pin từ bên ngoài để có thể bay.
RoboFly, cũng giống như tên gọi, được trang bị một cặp cánh nhỏ và trong suốt để thực hiện chức năng bay. Tuy nhiên, không như các thế hệ robot tiền nhiệm, RoboFly không cần dây nối để cấp năng lượng. Thay vào đó, các kỹ sư thiết kế một bảng vi mạch siêu nhỏ có công dụng chuyển hóa tia laser thành điện năng đủ để giúp nó cất cánh. Được biết, các nhà nghiên cứu sẽ trình bày công nghệ này vào hôm 23/5 tới, tại Hội nghị quốc tế về Robot và Tự động hóa, tổ chức ở Brisbane (Australia).
Những khả năng tuyệt vời của động vật đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thiết kế robot, từ một con robot có thể bơi như cá đuối manta (hay còn gọi là cá nạng), liệng như sứa, nhảy như con Galago, hay thậm chí tới đi bộ như người. Trước RoboFly, một loại robot mô phỏng côn trùng khác được gọi là RoboBee, cũng đã biểu diễn khả năng bay, đậu, lượn, và thậm chí nghỉ giữa không trung để bảo toàn năng lượng.
Nhưng khác với RoboBee – vốn được kết nối với nguồn năng lượng từ pin và bộ điều khiển, RoboFly sẽ bay tự do nhờ vào pin quang điện gắn trên cơ thể giúp chuyển hóa năng lượng từ một chùm sáng laser hẹp. Theo thiết kế, con robot này sẽ tiêu thụ khoảng 7 volt điện, và tăng vọt lên đến 240 volt khi hạ cánh. Trong khi đó, một bộ điều khiển siêu nhỏ trên bảng mạch sẽ hoạt động với chức năng giống như “não bộ”, giúp truyền dẫn các xung hiệu điện thế tới cánh và làm cánh đập giống như côn trùng. Tuy nhiên, các pin này không tích trữ năng lượng, vì vậy bảng mạch phải được bố trí để nằm trong phạm vi chiếu cố định của chùm laser thì mới có khả năng sinh ra năng lượng. Nếu như RoboFly bay ra khỏi phạm vi đó, nó sẽ tắt.
Chùm sáng laser cung cấp năng lượng cho một tấm pin quang điện, giúp RoboFly cất cánh. Ảnh: Mark Stone/Đại học Washington
Với kích cỡ nhỏ và tính cơ động cao, những loại robot tương tự như RoboFly có thể nhanh chóng len lỏi vào các khe hở nhỏ mà các máy bay không người lái – vốn có kích thước lớn hơn – không tài nào thâm nhập nổi. Ngoài ra, một số tập tính của loài ruồi cũng có thể được ứng dụng trên các phiên bản RoboFly tiếp theo, bao gồm cả việc “đánh hơi” để dò tìm mùi.
Nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng RoboFly có thể được sử dụng để phát hiện các lỗ rò rỉ khí ga (metan), qua đó góp phần làm giảm thiểu lượng khí thải nhà kính.
Theo Khoa học phát triển