Thứ Sáu, 22/11/2024 00:45:23 GMT+7
Lượt xem: 2784

Tin đăng lúc 02-02-2018

Rượu 'dởm' tung hoành cận Tết Nguyên đán, người dùng cẩn thận 'tiền mất tật mang'

Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng rượu có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, tránh ngộ độc rượu dịp Tết Nguyên đán.
Rượu 'dởm' tung hoành cận Tết Nguyên đán, người dùng cẩn thận 'tiền mất tật mang'
Bộ Y tế sẽ phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm soát chất lượng rượu dịp Tết Nguyên đán.

Rượu là nguyên nhân gây ngộ độc hàng đầu

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2013 - 2017, cả nước có 28 vụ ngộ độc rượu làm 193 người mắc, 179 người nhập viện và 34 người tử vong. Riêng năm 2017 ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện.

 

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, 40 bệnh nhân tại 12 quận/huyện ngộ độc methanol. Hiện tại, 28 bệnh nhân ổn định, 12 bệnh nhân nặng xin ra viện tử vong tại nhà. Đa số bệnh nhân uống rượu ở các địa chỉ khác nhau không rõ nguồn gốc, nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

 

Thông tin từ Bộ Y tế  cũng cho biết, rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh. Thế nhưng, lượng rượu được sản xuất và tiêu thụ trong nước hàng năm vẫn cao ngất.

 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, đến năm 2025, sản lượng rượu của cả nước sẽ đạt khoảng 440.000 lít với hàng nghìn cơ sở sản xuất rượu. Việc lạm dụng rượu, bia gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, bất lợi về an ninh trật tự.

 

Rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông. Và theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần trung ương, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân và vẫn đang có xu hướng tăng. Về nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc do rượu, tỷ lệ ngộ độc do rượu trắng cao nhất là 42,9%, rượu ngâm thuốc là 36,0%, rượu ngâm củ ấu là 16,0%, rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn) là 10,7%...

 

Đáng chú ý, việc lạm dụng rượu về số lượng, chủng loại rượu, đặc biệt trong số đó có nhiều loạirượu giả, rượu lậu, rượu tự pha chế, không có nguồn gốc xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, không nhãn mác và đặc biệt là rượu giả được sản xuất từ những nguyên liệu độc hại, bị cấm (cồn methanol) do gian lận thương mại đang gây ngộ độc cấp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và an sinh xã hội.

 

Bộ trưởng Y tế nhận định hiện nay tỷ lệ ngộ độc rượu khoảng 1-2%/năm, nhưng tỷ lệ chết chiếm khoảng 7%/năm. Do đó, rượu bia là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán và lễ hội sắp tới.

 

Siết chặt kiểm tra nguồn gốc, chất lượng rượu dịp Tết Nguyên đán

 

Theo nhận định của Bộ Y tế, các loại rượu được tiêu thụ trên thị trường hiện nay được sản xuất từ 3 nguồn chủ yếu: rượu được nhập khẩu chính ngạch, rượu được sản xuất quy mô công nghiệp trong nước và rượu sản xuất từ hộ gia đình, làng nghề. Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, Kinh doanh rượu - đặc biệt là rượu thủ công truyền thống diễn biến phúc tạp tại nhiều địa phương.

 

Ghi nhận từ các bệnh viện cho thấy, các vụ ngộ độc rượu gần đây xảy ra chủ yếu là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp, có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép, sau đó bán cho người tiêu dùng gây ngộ độc cấp tính.

 

Bên cạnh đó, những người có tiền sử nghiện rượu hoặc các bệnh về tiêu hoá khi dùng rượu dễ gây ngộ độc đe dọa đến tính mạng. Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu ngâm động, thực vật... còn hạn chế, càng làm cho tình trạng ngộ độc rượu gia tăng.

 

Đáng lo ngại hơn, khi xảy ra ngộ độc rượu, các nạn nhân ít được cấp cứu, điều trị kịp thời do lầm tưởng các triệu chứng ban đầu của ngộ độc với hiện tượng say rượu thông thường.

 

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu mua bán, tiêu thụ rượu được nhận định sẽ lại tăng cao. Đây là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng trục lợi bằng các hành vi gian dối, bất chấp việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng.

 

Trước thực trạng trên, để đảm bảo chất lượng rượu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới để hạn chế các vụ ngộ độc rượu, Bộ Y tế sẽ thanh, kiểm tra thường xuyên nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, nhất là tăng cường hệ thống để giám sát và phòng chống các ca ngộ độc rượu.

 

Về giải pháp lâu dài để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đang biên soạn và dự kiến sẽ trình Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật phòng chống tác hại rượu bia trong tháng 6/2018 tới đây, sau đó sẽ trình ra Quốc hội. Đồng thời, tới đây Bộ cũng sẽ đề xuất tăng thuế rượu bia.

 

Bộ Y tế cũng đề nghị ngành Công Thương tăng cường quản lý tận gốc mặt hàng rượu, nguyên liệu cồn công nghiệp; khẩn trương có các quy định đưa chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để ngăn chặn việc pha cồn công nghiệp methanol vào rượu.

 

Với người dân, để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết, Bộ Y tế khuyến cáo chỉ nên sử dụng các loại rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uống rượu vừa phải; không vì ham rẻ mà mua các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất ở các cơ sở không đảm bảo an toàn.

 

Nguồn VietQ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang