Theo rà soát của Ban Chống in lậu, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã kịp thời xử lý khi phát hiện dấu hiệu sách của nhà xuất bản này bị in lậu trên thị trường. Tại địa bàn Hà Nội, Ban Chống in lậu của nhà xuất bản đã phát hiện Công ty TNHH Hải Anh (ngõ 459 Bạch Mai, Hà Nội) in lậu 30.000 bìa sách giáo khoa tiếng Anh; Xưởng in Bao bì Thiên Phú (tại Định Công, Hà Nội) và Công ty In Bao bì Hải Chiến (tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng bị phát hiện có hành vi in lậu sách. Tại Đắk Lắk cũng phát hiện cơ sở in lậu sách giáo dục với số lượng trên 3.000 bản và tại Khánh Hòa với số lượng trên 1.000 bản. Tiếp theo, sách hướng dẫn học tin học 3, 4, 5 tại Quảng Ngãi, sách tiếng Anh tại Bình Định và sách tiếng Anh lớp 7 và lớp 8 (sách học sinh và sách bài tập) tại Đà Nẵng cũng đã phát hiện bản in lậu.
Những quyển sách lậu tưởng như vô hại nhưng lại có những tác hại vô cùng lớn. Sách lậu thường sử dụng loại giấy kém chất lượng, in không chuẩn, ảnh hưởng đến uy ín của nhà xuất bản. Bên cạnh đó, nội dung của sách bị sai lệch ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng. Việc tồn tại những cơ sở in sách lậu đã khiến thị trường sách nhiễu loạn, đặc biệt là trong dịp học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới, người tiêu dùng rất khó phân biệt thật giả. Do vậy, tránh mua phải sách lậu, sách giả, người tiêu dùng nên mua sách tại các cửa hàng siêu thị của nhà xuất bản, công ty sách – thiết bị trường học.
Linh Đan