Thứ Sáu, 22/11/2024 18:24:35 GMT+7
Lượt xem: 1236

Tin đăng lúc 28-06-2019

Sách tản văn tiếp tục được mùa

Không phải là thể loại mới lạ, nhưng sách tản văn vẫn đang là lựa chọn của nhiều độc giả. Từ nhu cầu này, gần đây các đơn vị xuất bản đã tiếp tục tổ chức phát hành nhiều tác phẩm phục vụ nhu cầu bạn đọc.
Sách tản văn tiếp tục được mùa
Buổi ra mắt tập tản văn Mai rồi mưa tạnh trong xuân của tác giả Thái Kim Lan.

Phong phú, đa dạng 

 

NXB Trẻ vừa ra mắt tập tản văn Nhật Bản: Hoa anh đào, Kimono & gì nữa? của tác giả Tama Duy Ngọc, sách là những trải nghiệm và cảm xúc của tác giả, một người dành tình yêu sâu đậm cho xứ sở Phù Tang. NXB Tổng hợp giới thiệu Giọt mực của mưa Huế của Hồ Đăng Thanh Ngọc, đưa bạn đọc khám phá vẻ đẹp, những bí ẩn của thiên nhiên, con ngưới xứ Huế. 

 

Sau bộ sách tản văn gồm 5 cuốn: Cầm tay Hà Nội, Đi giữa mùa mây, Căn cước xứ mưa, Mùa đi trên những mái rêu  Tình phố bên đồi, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của các vùng miền trải dọc đất nước, NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ tản văn về miền biên viễn Tây Nam của 2 tác giả cùng đến từ An Giang: Mật nắng biên thùy (Nghiêm Quốc Thanh) và Trong sương thương má (Trương Chí Hùng). Cả 2 tác phẩm đều đưa đến độc giả những vẻ đẹp nguyên sơ của vùng sông nước miền Tây và tình người chân chất, mộc mạc. 

 

Thành danh từ thể loại truyện ngắn (từng nhận giải Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM), nhưng 3 năm trở lại đây, nhà văn Tiểu Quyên chuyển hướng sang viết tản văn. Tập tản văn thứ ba của chị - Sông có bao giờ thẳng do NXB Phụ nữ ấn hành - tập hợp 24 bài viết, là những cảm xúc về quê hương, hay những vùng đất chị đã đi qua.

 

Ở đó, người đọc dễ dàng đồng cảm với cách nhìn và đón nhận những diễn biến trong cuộc sống của một người vừa bước qua tuổi 30 với một tinh thần thật nhẹ nhàng. Tinh thần ấy được tác giả đúc kết: “Những dòng sông có bao giờ thẳng, như cuộc đời lúc thăng lúc trầm, quanh co khúc khuỷu giữa những niềm vui và nỗi buồn, những được và mất. Nhưng cuối cùng mọi thứ cũng sẽ được sắp xếp đâu vào đó cả thôi. Nếu bạn còn trẻ, hãy luôn cố gắng. Nếu bạn đang… già đi - như tôi - thì hãy luôn mỉm cười”. 

 

Ngoài những cuốn sách kể trên, độc giả cũng có thể tìm đọc những tác phẩm cùng thể loại như: Chuyện ở ngoài đường (Nguyễn Minh Hải), Sớm mai chợt nhớ hàng rào trổ bông(Lê Minh Nhựt), Mai rồi mưa tạnh trong xuân (Thái Kim Lan), 101 điều của cuộc sống(Đoàn Bảo Châu), Để thương yêu vừa trong tầm với (Lê An Nhiên)… 

 

Không phải văn chương thứ cấp

 

Từ mong muốn có thêm sự kết nối giữa bạn đọc lứa tuổi thiếu niên, mới lớn với những bậc đàn anh, đàn chị, thầy cô, cha mẹ, phụ huynh, vào năm 2016, NXB Kim Đồng đã xây dựng bộ sách Viết cho những điều bé nhỏ.

 

5 cuốn sách đầu tiên của bộ sách được khai thác từ những bài viết trên Báo Hoa Học Trò gắn liền với tên tuổi của 2 tác giả là Đoàn Công Lê Huy (anh Chánh Văn) và Ngô Thị Phú Bình. Sau đó, bộ sách đã quy tụ được nhiều tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nhiệt tình cộng tác với những tản văn nhỏ bé, dung dị nhưng giàu tình cảm và sự sẻ chia. Bộ sách nhanh chóng được đón nhận và trở thành người bạn của nhiều độc giả.

 

Sau 3 năm ra mắt, bộ sách đã có gần 20 tác phẩm được xuất bản, trong số đó có nhiều tác phẩm được tái bản nhiều lần, giành được những giải thưởng danh giá như: Gửi bé Bống ở xứ sở niềm vui của tác giả Ngô Thị Phú Bình, đoạt giải Sách hay 2018 của Hội Xuất bản; Khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây của Trương Huỳnh Như Trân, được giải Sách hay lần thứ 8 hạng mục Sách thiếu nhi.  

 

Nhà văn Tiểu Quyên bày tỏ: “Tôi chưa từng đánh giá thể loại văn chương nào là thứ cấp. Chữ nghĩa luôn đẹp và quyển sách nào cũng phải là từ tâm huyết của người viết ra nó. Tôi không khuyến khích người viết trẻ chỉ tập trung viết tản mạn, nhưng tôi cũng rất thích đọc tạp văn của các nhà văn đã thành danh. Thể loại này cho người đọc nhìn thấy, hiểu rõ tâm khảm của nhà văn nhất; đồng thời cũng cho người đọc sự tương tác, đồng cảm, cùng suy niệm với người viết, mở ra những góc nhìn, suy ngẫm từ nhiều chiều. Cho nên, tản văn/tạp văn cũng như các thể loại văn học khác, sẽ luôn có riêng dòng chảy của nó”.

 

Ngoài hiệu ứng của bộ sách Viết cho những điều bé nhỏ, trên thực tế, có rất nhiều nhà văn thành danh với thể loại tản văn bởi phong cách viết riêng biệt và duyên dáng mà không phải ai cũng làm được.

 

Từ những nhà văn quá cố như Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài…, rồi gần đây là những nhà văn như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Phấn…, cho thấy thể loại tản văn luôn rộng cửa cho mọi đối tượng và hoàn toàn có thể làm nên chuyện nếu tác giả có biệt tài khai thác.

 

Theo sggp.org.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang