Thứ Tư, 04/12/2024 15:17:12 GMT+7
Lượt xem: 423

Tin đăng lúc 03-12-2024

Sản phẩm OCOP, làng nghề, nông nghiệp Thủ đô góp phần tỏa sáng hàng Việt giữa kinh đô thời trang thế giới

Sau thành công ấn tượng tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế (AF L'ARTIGIANO 2023) Milan, lần thứ 2 trở lại Milan (Italia), Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại Bộ NN&PTNT tổ chức Không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm Việt Nam tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano lần thứ 28 (năm 2024) diễn ra tại Trung tâm triển lãm ở thành phố Milan, Italia.
Sản phẩm OCOP, làng nghề, nông nghiệp Thủ đô góp phần tỏa sáng hàng Việt giữa kinh đô thời trang thế giới
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ tại Khu gian hàng Quốc gia Việt

Tham gia hội chợ, Việt Nam có 16 doanh nghiệp của Thủ đô và các tỉnh thành. Khu gian hàng quốc gia Việt Nam có không gian được xây dựng theo hình thức mở, kết hợp với phục vụ trải nghiệm sản phẩm, thuận tiện cho khách thăm quan trải nghiệm và tìm hiểu về sản phẩm, văn hóa vùng miền với chủ đề “Sản phẩm OCOP Việt Nam: Hội tụ giá trị - Lan tỏa văn hóa”.

 

 

Toàn cảnh Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano lần thứ 28

 

Khu gian hàng "Hà Nội - Việt Nam" có quy mô 84 m2 của thành phố Hà Nội trong khuôn khổ gần 200 m2 khu gian hàng Quốc gia Việt Nam được trang trí sang trọng, ấn tượng với nhiều sản phẩm OCOP. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu có tiềm năng xuất khẩu của Hà Nội và Việt Nam như: Sản phẩm gốm sứ, thêu ren, lụa, mây tre đan, trang trí nội ngoại thất, chạm khắc, túi xách; Sản phẩm quà tặng và các sản phẩm thực phẩm thế mạnh của Việt Nam như: Chè, trái cây sấy các loại, hạt điều, macca, nước ép trái cây,… Đặc biệt, khu gian hàng có các sản phẩm của 08 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, nông sản thực phẩm uy tín, chất lượng của Hà Nội gồm: HTX Ngôi nhà xanh (thương hiệu Handysilk); Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Viethnic; Công ty TNHH Công nghệ  Laser Việt Nam; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Phát triển công nghệ Nhật Bản (KOCHI); Công ty TNHH Thực phẩm P&T Việt Nam; Công ty Cổ phần gốm sứ Quang Minh; Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại và Du lịch Quốc tế Minh An. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia hội chợ với tư cách độc lập nhằm quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm mứt trái cây, trà thảo mộc, đồ thêu ren, khảm trai, sơn mài, sản phẩm gốm...

 

 

Khu gian hàng quốc gia Việt Nam được thiết kế xây dựng với chủ đề “Sản phẩm OCOP Việt Nam: Hội tụ giá trị - Lan tỏa văn hóa”

 

Ngày 30/11/2024, tham gia khai mạc Hội chợ tại Khu gian hàng Quốc gia Việt Nam có các khách mời: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Italia Dương Hải Hưng; Ông Enrico Brambilla Tổng thư ký Liên đoàn thủ công mỹ nghệ Milan (APA Confartiginato Imprese Milano Monza e Brianza); Ông Gabrielle alberti - giám đốc hội chợ triển lãm; Bà Mrs Loredana - Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Milano; Ông Walter Caverenghi- Tổng thư ký phòng Thương mại Ý - Việt CCIV và Đại diện đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT có ông Nguyễn Tiến Minh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp; Ông Phương Đình Anh - Phó chánh văn phòng Nông thôn mới Trung ương; Đại diện lãnh đạo của Sở NN&PTNT Hà Nội đã cắt băng khai trương khu trưng bày của Hà Nội và Việt Nam tại hội chợ.

 

 

Tại buổi khai mạc, ông Enrico Brambilla - Tổng thư ký Liên đoàn thủ công mỹ nghệ Milan (APA Confartiginato Imprese Milano Monza e Brianza) đã đánh giá cao sự tham gia trở lại của Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh là gốm sứ và các sản phẩm lụa, khảm trai, sơn mài, sản phẩm quà tặng… trong thời gian tới sẽ phối hợp và hỗ trợ Việt Nam tham gia Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano năm 2025.

 

 

 

Về phần mình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Italia Dương Hải Hưng đề nghị ban tổ chức Hội chợ hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm các nước tham dự hội chợ đạt hiệu quả cao, lựa chọn sản phẩm, hỗ trợ thiết kế, quảng bá, chia sẻ thông tin thị hiếu xu hướng thị trường, các nhà mua sỉ... Hai bên trao đổi một số hoạt động cụ thể và các công tác chuẩn bị cần triển khai trong thời gian tới về sự tham dự của Việt Nam tại Hội chợ trong những năm tiếp theo.

 

 

Với sự hỗ trợ, phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã tổ chức Hội thảo chương trình hợp tác ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam - Italia

 

Các gian hàng Việt Nam thu hút rất nhiều khách tham quan trải nghiệm, kết nối và mua sắm ngay từ ngày khai mạc. Các sản phẩm Việt Nam được đánh giá là rất đặc trưng, riêng biệt, đầy màu sắc và độc đáo. Ông Antonio Intiglietta - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Gestione Fiere, nhà tổ chức của hội chợ này đã đến thăm khu trưng bày các sản phẩm và tìm hiểu các mặt hàng đặc trưng của Việt Nam.

 

Bên cạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, nông sản thực phẩm..., với sự hỗ trợ, phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã tổ chức Hội thảo chương trình hợp tác ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam - Italia. Đoàn bộ NN&PTNT (Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Bộ - Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương), Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội (Sở NN&PTNT) tham dự có Ông Beppe Pisani, Chủ tịch Liên đoàn thủ công và Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thời trang Vùng Lombardia (CNA Fedemoda Lombardia) và Ông Jean Blanchaert, một nghệ nhân, một chuyên gia, về TCMN ở Milan, nhà tổ chức quản lý phòng triển lãm trưng bày nghệ thuật. Ông này chia sẻ đánh giá rất cao về sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Việt Nam là kho báu vô giá phản ánh giá trị văn hóa và tinh thần của người Việt Nam cần được quảng bá hơn nữa để thế giới hiểu biết hơn về văn hóa và sản phẩm của Việt Nam. Với những kinh nghiệm lão luyện của người nghệ nhân, ông đã đến Việt Nam rất nhiều và nhận thấy các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam nên tập trung phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công. Ngoài ra, Việt Nam cần chú trọng đào tạo giới trẻ nối tiếp nghề thông qua các khoá học thiết kế thế giới để khi trở về Việt Nam với họ có thể kết hợp với các nghệ nhân tạo ra các sản phẩm truyền thống mang khuynh hướng đổi mới sáng tạo, phù hợp thị hiếu tiêu dùng... 

 

Thông qua buổi tọa đàm, các diễn giả hai bên đã nêu lên thế mạnh của ngành thủ công mỗi nước và cùng nhau trao đổi xu hướng tiêu dùng, xu hướng thẩm mỹ, xu hướng hợp tác nhằm phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ hai bên. Sau hội thảo, đoàn tiếp tục tổ chức hội nghị bàn tròn với ông Ông Gabrielle alberti - Giám đốc hội chợ triển lãm. Hai bên đã trao đổi, chia sẻ rất cởi mở và mong muốn cùng xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn trong phát triển, quảng bá giá trị văn hóa của người Việt Nam kết tinh trong từng sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Việt Nam phù hợp với thị hiếu mua sắm, tiêu dùng của thế giới.

 

 

Đoàn Việt Nam đi thăm xưởng gốm, xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ thành phố Vicenza

 

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã thu xếp cho Đoàn công tác của Việt Nam làm việc với Liên đoàn Thủ công mỹ nghệ thành phố Vicenza và thăm quan một số xưởng gốm, xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ của thành phố Vicenza, như: Công ty UNION, Công ty VBC và Ceramiche Lorenzon....

 

Hội chợ diễn ra từ ngày 30/11 đến 08/12 tại Trung tâm tổ chức sự kiện tại Milan, Italia

Đức Trí

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang