Thứ Sáu, 22/11/2024 16:41:05 GMT+7
Lượt xem: 4596

Tin đăng lúc 18-12-2015

Sẵn sàng hàng hóa cung ứng thị trường cuối năm

Đã thành quy luật, vào những tháng cuối năm Âm lịch, tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên thị trường Hà Nội sẽ tăng mạnh. Thành phố và các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn hàng dự trữ, nhất là các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; đồng thời, siết chặt quản lý thị trường để không xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến.
Sẵn sàng hàng hóa cung ứng thị trường cuối năm
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long.

Theo dự báo của Sở Công thương Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn Thủ đô trong đợt Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sẽ tăng từ 10 đến 15% so các tháng trước và tăng khoảng 20% so với Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Để chuẩn bị lượng hàng hóa cung cấp cho hơn bảy triệu người dân Thủ đô, hai triệu người dân sinh sống thường xuyên và hơn bốn triệu lượt người đến từ các tỉnh, thành phố khác về tham quan, mua sắm, Sở Công thương và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa và tổ chức phân phối, đưa hàng Tết đến người tiêu dùng.

 

Dự kiến nhu cầu nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tăng mạnh. Cụ thể, mặt hàng gạo, nhất là gạo nếp ngon, gạo đặc sản, sẽ tăng từ 5 đến 7% so với các tháng trong năm; các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu… tăng từ 15 đến 20%. Riêng mặt hàng thịt gà từ 25 đến 29% so với các tháng trước Tết. Do đó, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường công tác sản xuất, dự trữ hàng hóa. Tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 trên địa bàn ước tính trị giá hơn 21.610 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tập trung dự trữ các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị hơn 12.780 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sản xuất bánh, mứt, kẹo dự trữ 26.175 tấn. Các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu sản xuất và dự trữ khoảng 168 triệu lít bia, rượu. Các làng nghề trên địa bàn tập trung sản xuất, kinh doanh các loại nông sản, thực phẩm, bánh mứt kẹo… với tổng giá trị ước tính hơn 2.081 tỷ đồng. Riêng các doanh nghiệp bình ổn giá sẽ dự trữ và tổ chức bán ra thịt trường 5.900 tấn gạo trắng, 3.400 tấn thịt lợn, 971 tấn thịt gà, 9,2 triệu quả trứng gà, 1.100 tấn thủy hải sản đông lạnh, 5.100 nghìn lít dầu ăn…

 

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để bảo đảm nguồn cung cấp các mặt hàng Tết, Sở Công thương đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Hà Nội với các địa phương trong nước. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro đã đẩy mạnh khai thác các mặt hàng trái cây, nông sản như gạo tẻ, xoài, nho, cam… của các tỉnh Bình Dương, An Giang, Ninh Thuận, Thái Bình, Nam Định… Công ty CP Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) khai thác các loại rau, củ và hoa quả, thủy hải sản của tỉnh Sơn La, Hải Dương… Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt khai thác sản phẩm thủy sản của tỉnh Cà Mau, gia cầm của TP Hồ Chí Minh… Ngoài ra, các tiểu thương khai thác các nguồn hàng của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Tràng An Trịnh Sĩ nhận định, hiện nhiều mặt hàng, nhất là bánh kẹo của Thái-lan, Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc… nhập về thị trường Hà Nội rất lớn. Cộng với lượng hàng sản xuất trong nước thì nguồn cung sẽ lớn hơn nhu cầu, do đó khó xảy ra tình trạng sốt hàng. Dự kiến, giá các mặt hàng Tết khá bình ổn, vì giá nguyên liệu sản xuất khá ổn định.

 

Đểtạo điều kiện cho người dân mua sắm Tết, nhất là nhân dân ở các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, Sở Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã phối hợp chính quyền các quận, huyện, thị xã khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ nhân dân trên địa bàn. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp sẽ tổ chức 370 chuyến bán hàng lưu động, 30 phiên chợ Việt, 21 tuần hàng Việt và các hội chợ Tết, hội chợ hoa… Đại diện hệ thống siêu thị Lan Chi (Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi) cho biết, tại khu vực ngoại thành, số lượng trung tâm thương mại, siêu thị ít hơn khu vực trung tâm thành phố. Những ngày sát Tết, nhân dân sẽ tập trung mua sắm tại các siêu thị, cho nên đề nghị chính quyền địa phương, các đội cảnh sát giao thông tạo điều kiện phân luồng giao thông để tránh tình trạng ùn tắc, mất an ninh trật tự. Các địa điểm tổ chức hội chợ không nên bố trí sát đường giao thông chính, đường quốc lộ để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông.

 

Trước nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của người dân trong dịp Tết, nhiều đối tượng sẽ lợi dụng để buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hoặc tăng giá đột biến một số mặt hàng nhằm trục lợi. Do đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo đảm đủ nguồn hàng cả trước, trong và sau Tết, quan tâm đến các khu vực vùng xa trung tâm để người tiêu dùng yên tâm mua sắm. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan, nhất là Chi cục Quản lý thị trường, Công an TP Hà Nội tăng cường kiểm soát, kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, nhập khẩu và sử dụng trái phép các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm; ngăn chặn việc buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu trên tất cả các tuyến giao thông; kiểm tra các kho hàng, điểm bán, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu cơ tăng giá…; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để người dân Thủ đô được mua sắm Tết an toàn, đầy đủ.

 

Theo Nguyên Trang/nhandan.com.vn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang