Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Vỵ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, so với tháng 9/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 9/2015 tăng 10,1%. Tính chung trong 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8% (cao hơn mức tăng 6,7% của cùng kỳ 9 tháng năm 2014 so với năm 2013).
Về tăng trưởng các nhóm ngành, các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến chế tạo tăng 10,2%; ngành khai khoáng tăng 8,2%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,4%. Nhiều sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng 9 tháng năm 2015 cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành như điện sản xuất tăng 12,3%; thép cán tăng 20,1%; điện thoại di động tăng 50,4%; tivi tăng 45,5%; ô tô tăng 55,3%, v.v...
Mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2015 cao hơn mức tăng của cùng kỳ 2014 và 2013 (lần lượt là 6,7% và 5,4%). Bêm cạnh đó, thông qua mức tăng trưởng hàng tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng trưởng của ngành sản xuất và phân phối điện, có thể thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phát triển. Nhóm ngành dệt, da giày, sản xuất sản phẩm điện tử, xe có động cơ… có sự tăng trưởng cao. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cải thiện nhiêu, chủ yếu vẫn thực hiện theo hình thức gia công, lắp ráp; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chưa đạt yêu cầu phát triển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu.
Về xuất khẩu hàng hóa, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt gần 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI không kể dầu thô ước đạt 82,2 tỷ USD, tăng 21,1% và chiếm 68,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này tăng trưởng tăng trưởng 19,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 78,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó nhóm hàng nông sản, thuỷ sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản gặp nhiều khó khăn, lần lượt giảm 9,9% và 45,5% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 9 tháng ước đat 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 73,3%, tăng 20,7% chiếm tỷ trọng 58,8%; Kim ngạch nhâp khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt 51,3 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ 2014.
Như vậy, nhập siêu 9 tháng năm 2015 ước khoảng 3,86 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất khẩu, tháng 9/2015 ước nhập siêu 100 triệu USD. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,9 tỷ USD, các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 15,8 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2015, xuất khẩu ước đạt khoảng 73,2% kế hoạch năm 2015 (kế hoạch là 165 tỷ USD). Khối các doanh nghiệp FDI vẫn duy trì vụ trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng ngày càng tăng, xuất khẩu của khối FDI (không kể dầu thô) 9 tháng năm 2015 chiếm 68%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm cho thấy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn. Tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2015 thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2014, do giá xuất khẩu giảm.
9 tháng năm 2015, các mặt hàng xuất khẩu có sự tham gia của khối FDI như máy vi tính, điện tử và linh kiện… có mức tăng trưởng xuất khẩu không mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sau một thời gian tăng trưởng cao, các mặt hàng này đã có sự tăng trưởng ổn định. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giầy dép, đồ gỗ vẫn giữ mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại khởi sắc, trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, củng cố xu thế ổn định. Tăng trưởng công nghiệp ổn định. Mặc dù xuất khẩu ở một vài ngành hàng chưa đạt được như mong muốn nhưng về cơ bản duy trì được đà ổn định. Bộ Công Thương vẫn đang đạt được mục tiêu, chính sách và giải pháp đã đề ra với nhập siêu và dự kiến giữ được ở mức dưới 5% như Quốc hội đã giao.
Giá dầu giảm tác động đến doanh thu
Tại Hội nghị giao ban, lãnh đạo các Cục, Vụ, lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty, Hiệp hội ngành hàng đã báo cáo tình hình đồng thời trình bày giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu năm 2015.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, do giá dầu thô sụt giảm đã tác động lớn đến doanh thu của Tập đoàn. Cụ thể, tính đến hết tháng 9, Tập đoàn đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn dầu thô, tăng 4,7% so với cùng kỳ nhưng doanh thu chỉ đạt 3,05 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái, với mức xuất khẩu 6,8 triệu tấn dầu thô nhưng doanh thu đã đem về tới 5,98 tỷ USD. Giá dầu bình quân trong tháng 9 chỉ đạt 48 USD/thùng, chưa bằng một nửa so với dự toán từ đầu năm mà Chính phủ trình Quốc hội (khoảng 100 USD/thùng). Ông Nguyễn Hùng Dũng cho biết, dù giá dầu sụt giảm nhưng tổng doanh thu của Tập đoàn đến hết tháng 9 vẫn đạt 423.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 89.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 29.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, điện thương phẩm tháng 9 của Tập đoàn đạt 12,88 tỷ kWh, lũy kế 9 tháng đạt 106,7 tỷ kWh, tăng 12% so với cùng kỳ. Nếu đánh giá mức tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức 6,5-6,8% thì hệ số đàn hồi đang tăng gấp 2 lần và là vấn đề lo ngại trong việc tiết kiệm và sử dụng điện năng.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng tại Hội nghị
Với hệ số đàn hồi điện/GDP mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện thời gian qua còn rất cao, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, EVN cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt mới có thể hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ giao. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, khi phê duyệt Quy hoạch điện VII, Chính phủ yêu cầu phải giảm dần hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,5 vào năm 2015 và 1,0 vào năm 2020.
Nhu cầu tại các thị trường truyền thống có những tín hiệu tích cực
Báo cáo tại Hội nghị giao ban, ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VSA) cho biết, nhu cầu gạo tại các thị trường truyền thống đang có dấu hiệu hồi phục. Điều này sẽ giúp cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng tới sẽ khả quan hơn. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 ước đạt 500.000 tấn với trị giá đạt 207 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng khoảng 4,35 triệu tấn, tương ứng giá trị 1,95 tỷ USD, giảm 9,12% về khối lượng và giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân sụt giảm được VSA đưa ra là do nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam trong các tháng đầu năm sụt giảm mạnh, cộng với yếu tố về giá, giảm khoảng 5,08% đã ảnh hưởng đến bức tranh của ngành lương thực 9 tháng qua.
Theo dự báo của VSA, trong 6 tháng tới, nhu cầu tại các thị trường truyền thống đang có những tín hiệu tích cực. Bằng chứng rõ nét nhất là Việt Nam đã thắng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo sang Philippines và khoảng 1 triệu tấn gạo cung cấp cho Indonesia thời gian gần đây. Ông Huỳnh Minh Huệ nhấn mạnh, các tín hiệu trên sẽ giúp ngành lúa gạo tăng trưởng ổn định hơn kể từ quý 4/2015 và kéo dài đến quý 1/2016. Tuy nhiên, việc tăng khối lượng xuất khẩu cũng đặt ra sức ép đối với các doanh nghiệp trong nước khi sản lượng lúa gạo vụ Thu-Đông sắp kết thúc cộng với lượng tồn kho khoảng là 1,5 triệu tấn, là nguồn dự trữ không phải là nhiều. Do vậy, VSA đề nghị các doanh nghiệp cần phải cân đối lại nguồn cung phục vụ đủ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu VSA cần cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin thị trường, tránh ảnh hưởng đến đối tác cũng như tâm lý người tiêu dùng. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp để có thể hoàn thành mục tiêu của Chính phủ là xuất khẩu hết lúa gạo cũng như đảm bảo thu nhập cho nông dân và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đồng thời, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề cập tới yếu tố tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, theo đó nhiều mặt hàng, trong đó có lúa gạo vẫn phải trông chờ nhiều vào các thị trường truyền thống và thị trường tập trung. Do vậy, cần tập trung tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để tránh những tổn thương khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống sụt giảm.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong 3 tháng cuối năm, các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ, các Hiệp hội ngành hàng cần quyết tâm thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; Đẩy mạnh tiến độ để hoàn thành các công trình trọng điểm, đặc biệt là một số dự án điện trọng điểm ở khu vực phía Nam; tiếp tục đẩy mạnh nhằm hoàn thành tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; Triển khai đồng bộ công tác thông tin truyên truyền trong hội nhập kinh tế quốc tế, v.v…
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành khác tăng cường hướng dẫn và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường mới, trong đó chú trọng đến những thông tin mang tính đặc thù liên quan đến tập quán, văn hóa, những yếu tố thị trường. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị doanh nghiệp phải chú ý đến hàng rào kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện cũng như quy trình sản xuất về chất lượng sản phẩm, môi trường, an toàn thực phẩm, giữ được chỗ đứng bền vững trong chuỗi cung ứng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương