Thứ Hai, 25/11/2024 04:09:03 GMT+7
Lượt xem: 3723

Tin đăng lúc 02-03-2020

Sản xuất công nghiệp trong 2 tháng tăng 6,2%

Do dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Sản xuất công nghiệp trong 2 tháng tăng 6,2%
Ảnh minh họa

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4% (cùng kỳ năm trước tăng 11,4%), đóng góp 6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4% (cùng kỳ năm trước tăng 9,3%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9% (cùng kỳ năm trước tăng 6,4%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,7% (cùng kỳ năm trước giảm 3,5%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Có  một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,2%...

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Khai thác quặng kim loại tăng 25,4%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 19,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,6%…

Tại buổi họp đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới ngành công nghiệp mới đây, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay: Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản để phục vụ sản xuất.

Riêng ngành điện, điện tử của Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất.  Vì trong năm 2019, Việt Nam nhập khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 3/2020.

Tương tự, đa số các doanh nghiệp dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đến đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020.

Trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động…

 

Theo Báo Chính Phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang