Chủ Nhật, 24/11/2024 09:15:25 GMT+7
Lượt xem: 3399

Tin đăng lúc 15-07-2017

Sản xuất nông nghiệp thông minh: Dù biến đổi khí hậu, sản lượng vẫn tăng đến 15%

Nông nghiệp thông minh đáp ứng biến đổi khí hậu (Climate - Smart Agriculture - CSA) - trong đó có các công nghệ mới ứng dụng công nghệ thông tin - có thể góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp từ 7-15% ngay tại những nơi có biến đổi khí hậu (BĐKH).
Sản xuất nông nghiệp thông minh: Dù biến đổi khí hậu, sản lượng vẫn tăng đến 15%
MGREEN - giải pháp tưới chính xác cho trang trại vừa và lớn, ứng dụng được cho cả trang trại ngoài trời và trong nhà kính của MimosaTEK. Ảnh: NV

Đó là kết luận từ nghiên cứu của tiến sỹ (TS) Nguyễn Thanh Tuyên và thạc sỹ Trương Hữu Chung - Vụ Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Thông tin và Truyền thông. Nghiên cứu này cho thấy, với sản xuất thông minh, hiệu quả, sản lượng nông nghiệp vẫn tăng trong bối cảnh khí hậu khắc nghiệt.

 

TS Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, nghiên cứu trên về CSA hướng tới 3 mục tiêu chính: Đảm bảo tăng năng suất và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, xây dựng khả năng phục hồi sau BĐKH, giúp giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính nếu có thể. Thực tế đã cho thấy, các công nghệ CSA mới - trong đó có CNTT, có thể góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp từ 7-15% tại những nơi có BĐKH.

 

“Đương nhiên, việc lựa chọn công nghệ CSA phù hợp cho việc xây dựng nông nghiệp thông minh là cần thiết. Giải pháp Agri.One của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) là một ví dụ điển hình về cung cấp các thông tin nông nghiệp từ đầu đến cuối (như thông tin về vay vốn, chọn giống, phân bón, kỹ thuật nuôi trồng, phòng chữa bệnh, giá cả...) cho nông dân, để họ có thể tiếp cận các thông tin cần thiết một cách dễ dàng nhất” - ông Tuyên nói.

 

Cụ thể, hệ thống Agri.One - đang được triển khai tại nhiều địa phương như Vĩnh Long, Bắc Giang, một số tỉnh ở Tây Nguyên... - cung cấp thông tin qua tin nhắn điện thoại và kết nối với các chuyên gia đầu ngành để tư vấn qua tổng đài, giải đáp thắc mắc khi nông dân có nhu cầu.

 

Ngoài tin nhắn và tổng dài, Agri.One còn cung cấp các kênh kết nối khác tới người dùng như website, ứng dụng di động nhờ lợi thế kết hợp CNTT và viễn thông; tập trung “cá thể hóa” về thông tin cho từng nông dân, với từng loại cây trồng hoặc vật nuôi cụ thể. Hệ thống cũng lưu lại toàn bộ lịch sử phát triển cây trồng, vật nuôi của mỗi thuê bao... để chuyên gia có thể theo dõi và tư vấn.

 

Công việc tư vấn của các chuyên gia nông nghiệp cũng thuận lợi hơn rất nhiều nhờ Agri.One. Trước đây, để tư vấn cho nông dân, họ phải đến tận nơi, gặp từng hộ thì nay, với hạ tầng kỹ thuật này, hai bên được kết nối và tương tác qua tổng đài. Chi phí nuôi trồng của nông dân nhờ vậy cũng được giảm tối đa. Điều này giúp nông dân có thể giảm tối đa kinh phí nuôi trồng.

 

TS Tuyên cũng nêu một ví dụ khác là giải pháp và thiết bị IoT (Internet of Things - Internet vạn vật) cho nông nghiệp do Công ty MimosaTEK xây dựng, tận dụng tối đa lợi thế của IoT để phát triển một nền tảng nông nghiệp thông minh có khả năng giúp nông dân nâng hiệu quả sản xuất lên mức tối đa và giảm rủi ro vụ mùa xuống tối thiểu.

 

Việc kiểm soát được thực hiện đơn giản qua các cảm biến và ứng dụng trên điện thoại thông minh. Các thiết bị sẽ thu thập, phân tích và tính toán thông tin để xác định thời điểm và lượng dưỡng chất cần thiết cho từng loại cây; kiểm soát, quản lý các thông số và thông báo liên tục cho người sản xuất thông qua thiết bị cầm tay. Ngoài ra, ứng dụng này cũng hỗ trợ họ ghi chép nhật ký nông vụ điện tử - vốn là nỗi ám ảnh của những nông dân phải thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Tính đến thời điểm này, giải pháp của MimosaTEK đã được vận hành hiệu quả tại TPHCM, Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang, Đà Lạt, Gia Lai, Nghệ An... cho nhiều loại cây trồng như rau sạch, dưa lưới, hồ tiêu, mía, ngô... Không chỉ nông trường lớn mà các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp với quy mô vừa và nhỏ cũng có thể áp dụng. Vườn cà chua Đà Lạt khi ứng dụng giải pháp này đã tiết kiệm được 30% nước và điện năng, tăng đến 25% năng suất cây trồng.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng cho thấy, việc triển khai xây dựng và áp dụng CNTT cho CSA ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư của nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp đều rất hạn chế, khó triển khai các ứng dụng CNTT, khó tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Mặt khác, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp - trong đó có nông nghiệp sạch - chưa cao nên rất khó thúc đẩy người dân hay doanh nghiệp đầu tư vào các hệ thống sản xuất thông minh.

 

Để khắc phục những khó khăn trên, phát triển CSA, nhóm nghiên cứu kiến nghị lên Chính phủ một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức của người nông dân về nông nghiệp chính xác, bền vững và ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp; đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện điện tử trong nước; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân cho các doanh nghiệp CNTT hoạt động trong lĩnh vực CSA...

 

Nguồn Khoahocphattrien


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang