Tăng đầu tư
Thời gian qua, hàng loạt DN đã bỏ vốn đầu tư vào sản xuất sản phẩm hữu cơ. Điển hình Công ty Thành Thành Công chuyển một phần diện tích trồng mía tại Tây Ninh sang canh tác hữu cơ để từ đó sản xuất đường hữu cơ. Công ty CP TH True Milk cũng tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ khi đầu tư trồng rau hữu cơ và sản xuất sữa hữu cơ. Sản phẩm dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm 2016. Trong khi đó, Vinamilk đang quảng bá rầm rộ về sản phẩm sữa organic chuẩn USDA (Mỹ) tại thị trường Việt Nam...
Nhiều DN đã thành công với sản phẩm hữu cơ, nhất là khi nguồn thực phẩm sạch trong nước còn hạn chế, trong khi đó nhu cầu về sử dụng sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao. Theo đại diện Công ty Organik Đà Lạt, đơn vị này đang sản xuất không kịp với nhu cầu của khách hàng, có DN đặt 8 container ngò gai hữu cơ mỗi tuần để xuất khẩu vào Nhật nhưng không đủ hàng. Đáng chú ý, doanh thu từ các sản phẩm rau đạt chuẩn hữu cơ như cà rốt baby, củ cải baby… rất cao, có thể đạt từ 1 - 2 tỷ đồng/ha.
Ngoài các DN đầu tư lớn, một số DN nhỏ cũng nhanh chân đầu tư nông nghiệp hữu cơ nhằm có chiếm lĩnh thị trường còn khá mới mẻ nhưng tiềm năng này. Chẳng hạn như DN tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) trồng nấm rơm “siêu sạch” với giá bán 140.000 đồng/kg hay Công ty Rừng Hoa Bạch Cúc (Lâm Đồng) với các sản phẩm rau thơm hữu cơ có giá 70.000 - 100.000 đồng/kg…
Vẫn còn nhiều khó khăn
Dù sản phẩm hữu cơ đang trở thành một trào lưu tiêu dùng cũng như đầu tư sản xuất, tuy nhiên các DN đang đầu tư vào lĩnh vực này vẫn gặp không ít khó khăn như canh tác khó, vốn đầu tư lớn nhưng kênh tiêu thụ còn hạn chế… Ngoài ra, sản phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ có giá cao hơn 2 - 3 lần sản phẩm thường nên chủ yếu đáp ứng nhu cầu cho người có thu nhập cao. Các công ty phát triển sản phẩm hữu cơ cho biết, trong thời gian tới, khi quy mô sản xuất tăng lên, giá các loại sản phẩm hữu cơ sẽ giảm, nhưng nhìn chung vẫn cao hơn so với thực phẩm thường.
Bên cạnh cạnh đó, trên thị trường chưa có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, định nghĩa thế nào là sản phẩm hữu cơ. Do đó, cũng chưa có cơ quan chính thống nào của nhà nước cấp cho người sản xuất chứng nhận những sản phẩm này nên người sản xuất, phân phối, tiêu dùng chưa có niềm tin tưởng thật sự - bà Mai Anh Thư - Chủ một chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT (Australia) cho rằng, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết và kịp thời đối với nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Để mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng như thúc đẩy các DN đầu tư vào lĩnh vực này nhà nước cần có những chính sách cụ thể mang tính đột phá nhằm mục đích chuyển đổi dần từ canh tác hóa học sang nền sản xuất thân thiện với môi trường.
Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT: Cần làm rõ sự khác biệt trong việc khuyến khích ưu đãi cho đối tượng từ người nông dân, DN nông nghiệp, nhà đầu tư thấy được sự rõ ràng trong việc sản xuất, đầu tư giữa hai xu hướng nông nghiệp hóa học và nông nghiệp thân thiện môi trường như chính sách đất đai, tín dụng, thị trường... |
Nguồn Báo Công Thương