Sáng chế “Mắt thần” cho người khiếm thị thời gian qua đã đem lại niềm vui và sự tự tin trong sinh hoạt hằng ngày cho những người kém may mắn. Sau nhiều lần cải tiến, “mắt thần” nay đã ở phiên bản 2ex, có góc quét rộng hơn, khoảng cách quét gia tăng lên từ 2-3 mét và người mù có thể hiệu chỉnh dễ dàng.
Cha đẻ của sáng chế này là Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Giáo viên và Đào tạo nhân lực công nghệ cao, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Anh là công dân trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2014 và cũng là người từng có 5 sáng chế quốc tế khi ở tuổi 28.
"Sau một thời gian sử dụng mắt thần này mình thấy rất thoải mái. Nhờ mắt thần mình tránh được những chướng ngại vật ở tầng trên".
"Xài cái này đi ra ngoài đường rất có lợi, không sợ bị đụng vào xe tải cao hay mấy cột điện. Tôi cảm ơn “Mắt thần” rất nhiều!".
Đây là hai trong số nhiều cảm nhận của những người khiếm thị đã từng sử dụng "Mắt thần.
Thật dễ đồng cảm với niềm vui của những người mù đã tự mình đi lại khi sử dụng sản phẩm kính "mắt thần". Nhìn bề ngoài, phiên bản "mắt thần" mới nhất giống như kính mắt thông thường, nhưng thực chất lại là một loại kính điện tử gọn nhẹ, tích hợp cả chức năng báo thức, định vị, nghe nhạc. Trong khoảng cách từ 50 cm đến 3 mét được lập trình sẵn, kính sẽ nhận diện các vật cản trái phải, trên dưới, đứng yên hay di động. Sau đó báo rung cho người sử dụng biết để chọn hướng đi an toàn.
Đại diện Bộ Khoa học Công nghệ và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM ký kết hợp đồng về nghiên cứu hoàn thiện thiết kế chế tạo 1.000 “mắt thần” cho người khiếm thị (ảnh: giaoduc.edu.vn)
Mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết hợp đồng hoàn thiện nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm 1.000 “mắt thần” cho người khiếm thị, với tổng kinh phí cho giai đoạn này là trên 5,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp khoa học. Đây là niềm vui dành cho nhóm nghiên cứu và cũng là niềm vui chung của những người khiếm thị của nước ta.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải nói: “Dự án cũng đang được xúc tiến rất nhanh. Đoàn công tác của Bộ Khoa học công nghệ đã vào trực tiếp khoa sáng tạo và khởi nghiệp nơi Hải nghiên cứu để tìm hiểu và đánh giá tình hình. Hiện nay cũng đã giải ngân một phần ngân sách cho dự án này. Hy vọng với ngân sách này, nhóm nghiên cứu có điều kiện nghiên cứu và cải tiến sản phẩm lên một số tính năng mới. Cụ thể là tăng cường được góc quét và độ quét tốt hơn so với cũ”.
Năm 2012, lần đầu tiên tiến sĩ Hải cho ra đời đôi “mắt thần” có khả năng giúp người mù biết được những vật xung quanh mình ở đâu, to hay nhỏ, cao hay thấp, xa hay gần… Chiếc “mắt thần” thuở ban đầu ấy có tên là "SPKT Eye", hay còn được người mù gọi là “Chiếc nón kỳ diệu”. Gọi như vậy vì khi ấy sáng tạo này có hình dạng một chiếc nón bảo hiểm, rất cồng kềnh, nặng gần 2kg. Giá thành để có được chiếc mắt thần khi đó lên đến 20 triệu đồng.
Hiện nay, phiên bản mắt thần mới nhất có tên là “Mắt thần 2ex” tức là mắt thần phiên bản số 2 expand, đã được nâng cấp lên sau hơn 9 lần cải tiến. Cụ thể, mắt thần phiên bản này gia tăng khoảng cách quét lên từ 2-3 mét và có thể hiệu chỉnh được, góc quét cũng rộng hơn để thuận tiện cho người khuyết tật. Mắt thần có kích thước nhỏ gọn, trọng lượng chỉ khoảng 200gr với giá khoảng 2 triệu đồng một chiếc.
Niềm hạnh phúc của người tiến sĩ trẻ là thấy được nụ cười rạng rỡ của những người mù, khi họ tự đi lại một cách dễ dàng, thậm chí họ còn có thể tự đi xe đạp. Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho biết: “Tôi đang hướng dẫn một đề tài cao học, đề tài Thạc sĩ là nghiên cứu cách làm ra cái xe đạp cho người mù đi di chuyển được trong những con hẻm nhỏ, những nơi không có quá nhiều xe như đường cao tốc nhưng như trong đường làng người ta vẫn có thể đi được.
Người ta biết được đâu là rãnh, đâu là đường để họ đi được xe đạp này. Khát vọng của nhóm nghiên cứu mình là một ngày nào đó nhắc đến Việt Nam là người ta nghĩ ngay đến những sản phẩm cho người khiếm thị, hiệu quả, giá thành tốt và phổ biến trên toàn thế giới”.
Nhiều đơn vị ngỏ lời mua bản quyền "mắt thần" với mức giá không hề rẻ, nhưng Tiến sĩ Hải đã từ chối và ngỏ ý tìm nhà tài trợ để sản xuất gửi tặng người khiếm thị. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người khiếm thị ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có khoảng 300.000 người bị mù hoàn toàn. Vì vậy, “mắt thần” sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện để giúp người khiếm thị bớt phần thiệt thòi trong cuộc sống.
Tin tưởng vào tài năng và tâm huyết của vị tiến sĩ trẻ, Nhà Giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, nhà trường sẽ tạo môi trường, điều kiện thuận lợi tối đa cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện để có thể tạo ra sản phẩm tốt nhất.
“Từ phiên bản đầu tiên rất to đến phiên bản bây giờ rất nhỏ gọn, đây là nỗ lực rất lớn của các giảng viên trẻ. Nhà trường cũng hỗ trợ cơ sở vật chất, phòng chế tạo cũng đặt ở trường này. Tôi cũng kêu gọi các đơn vị khác phối hợp để sản phẩm nhỏ gọn hơn và ứng dụng tốt hơn”- thầy Đỗ Văn Dũng nói.
“Mắt thần" cho người khiếm thị sẽ còn có nhiều phiên bản tiên tiến hơn trong tương lai không xa. Bởi theo quyết tâm của vị tiến sĩ tuổi 33 này, anh còn mong muốn giúp người mù thấy được cả hình ảnh, màu sắc và có thể đọc sách. Song song với đó, hiện nay anh cũng còn nhiều sáng chế khác rất hữu ích như: máy pha café, robot phục vụ, hay ghế massga trên xe khách…
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải nói: “Hiện nay, Hải đang triển khai sản phẩm ghế massage gắn cho xe khách đường dài để gia tăng sự êm dịu, thoải mái cho hành khách.
Cũng rất may, trong những khó khăn trong nghiên cứu Hải vẫn nhận sự tài trợ của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm gia tăng chất xam cho thanh niên Việt Nam mình. Một sản phẩm tiếp theo Hải đang hướng dẫn đề tài cao học là giảm nguy cơ té xe cho xe honda. Để cân bằng hơn, đó là khát khao Hải đang làm và ráng làm sản phẩm này”.
Sẽ còn rất nhiều những sản phẩm hữu ích khác được cho ra đời bởi người tiến sĩ trẻ đầy tâm huyết và nhóm cộng sự. Tin rằng với tài năng và niềm đam mê dành cho khoa học, những sáng tạo của Nguyễn Bá Hải sẽ cùng với Việt Nam vươn ra thế giới./.
Theo Ngọc Luân/VOV