Ảnh minh họa
Cơ quan soạn thảo đánh giá, tại Việt Nam, đồ uống có cồn (rượu, bia) có lịch sử lâu đời, đối với người dân việc uống rượu, bia còn là một nét văn hóa trong đời sống xã hội. Người ta uống rượu, bia trong các dịp lễ Tết, giỗ chạp, ma chay, tụ hội, trong các cuộc vui, hội ngộ bạn bè, gia đình. Sản phẩm bia nếu được quản lý tốt (từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng) thì mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động, là nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, nếu được sử dụng đúng cách và có điều độ sẽ có tác dụng tốt cho sức khỏe…
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng các sản phẩm bia, nếu không được quản lý tốt thì hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng bia sẽ gây ra hệ lụy không tốt cho Nhà nước, cho doanh nghiệp, cho con người và xã hội.
Cụ thể, sản xuất không theo quy hoạch sẽ gây lãng phí cho xã hội và cho nhà đầu tư; Ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (gây khủng hoảng thừa); Sản phẩm sản xuất không đúng tiêu chuẩn, sản phẩm giả sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng; Sản phẩm nhập lậu gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp làm ăn chính đáng; Trong quá trình sử dụng nếu người uống lạm dụng (uống quá mức, uống không đúng chỗ), các sản phẩm bia sẽ gây ra những tác hại cho người sử dụng và cho xã hội; Uống quá nhiều bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống, mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội; Uống nhiều bia khi lái xe là nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông, uống bia trong giờ làm việc ảnh hưởng đến kết quả công việc.
Ảnh minh họa
Tại Điều 16 của dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất nhiều hành vi được xem là vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh bia. Cụ thể, sản xuất bia không có Giấy phép sản xuất bia; Kinh doanh sản phẩm bia của cơ sở không có Giấy phép sản xuất bia; Lưu thông, tiêu thụ các loại bia không ghi nhãn bao bì hoặc ghi nhãn không đúng quy định, không đăng ký bản công bố hợp quy, không đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật), không dán tem theo quy định của pháp luật…
Dự thảo còn cấm kinh doanh bia qua máy bán hàng tự động hoặc qua phương thức thương mại điện tử; kinh doanh bia tại các địa điểm: trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè; bán sản phẩm bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu...
Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam