Trong khuôn khổ Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội diều làng Bá Dương Nội; Bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống Hà Nội - nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng còn có các hoạt động đặc sắc khác như: Trang trí con đường diều sáo “Hành trình kết nối”; Trưng bày triển lãm diều sáo, ảnh, thơ ca, các tác phẩm nghệ thuật có nội dung về diều sáo; Diễu hành quảng bá diều sáo quanh huyện Đan Phượng bằng xe ô tô, xe máy; Hội thi ẩm thực, hội thi giã bánh dày truyền thống; Thi đấu cờ tướng; Thi đấu bóng chuyền hơi mở rộng; Thi diều thiếu niên…
Lễ hội thả diều ở làng Bá Dương Nội có bề dày lịch sử hàng nghìn năm gắn với di tích miếu Diều thờ Thần Linh Châu Thổ. Lễ hội gồm các nghi lễ chính như: Lễ phong môn giải y, dịch phục; Lễ dịch phục; Lễ tuyên sắc; Tế chính tịch; Tễ trình diều; Lễ cầu phong (cầu gió) và tiến hành thả diều. Con diều nào đạt giải Nhất sẽ được mang vào miếu tế Thần Linh Châu Thổ…
Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội diễn ra trong 3 ngày, ngày 14 – 16/3 Âm lịch, trong đó chính hội là ngày 15/3, thời điểm bắt đầu một mùa vụ gieo trồng mới của người nông dân thời xưa.
Lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội gửi gắm khát vọng cầu mưa thuận gió hòa để sản xuất canh tác có một mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Lễ hội phản ánh nét văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp ven sông Hồng - con sông lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ, có sức ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống sinh hoạt của cư dân vùng hạ du, góp phần hình thành nên dòng chảy văn hóa, văn minh sông Hồng.Thông qua bối cảnh lịch sử, nguồn gốc của Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội cho thấy kinh nghiệm dân gian trong quan sát thời tiết, độ gió, hướng gió để thả diều đã được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Lễ hội đã góp phần giáo dục về đạo lý uống nước nhớ nguồn, định hướng văn hóa ứng xử của con người với tự nhiên và các mối quan hệ xã hội, hình thành nên ý thức về bảo vệ môi trường tự nhiên. Đồng thời, lễ hội là sợi dây kết nối cộng đồng trong các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết tương thân tương ái; giữ gìn thuần phong, mỹ tục của địa phương.
Trước kia, làm diều sáo ở Bá Dương Nội chỉ mang tính tự phát, thỏa mãn niềm đam mê, chủ yếu là chơi hoặc biếu, tặng và gìn giữ bản sắc truyền thống của di sản. Những năm gần đây, do nhu cầu thú chơi thả diều sáo được nhiều người ở các nơi đam mê tìm hiểu và đặt mua hàng với giá trị của từng cánh diều từ vài trăm nghìn đồng đến vài ba triệu đồng trở lên, nghề làm diều ở Bá Dương Nội có bước phát triển mạnh mẽ.
Hiện tại làng Bá Dương Nội có 134 hộ gia đình làm diều sáo truyền thống. Làng có 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, loại hình tri thức dân gian là nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm, Phạm Văn Mai và Nguyễn Gia Độ. Các nghệ nhân dù tuổi cao, song vẫn miệt mài truyền nghề cho con cháu để gìn giữ nét đẹp văn hóa làng nghề nghìn tuổi của quê hương.
PV