Như vậy, sau khi tăng đột biến vào tháng 9 do sự đóng góp chủ yếu của nhóm giáo dục và tăng nhẹ 0,04% vào tháng 10, thì tháng 11 đã ghi nhận mức đảo chiều đi xuống của chỉ số giá tiêu dùng toàn TP.
Với mức giảm này, sau 10 năm, CPI của Thủ đô lại giảm vào tháng 11. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, CPI của Hà Nội đã tăng 1,79%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Diễn biến giá cả trong tháng phản ánh rõ rệt mức độ ảnh hưởng của giá thế giới đến giá trong nước.
Giá dầu thô thế giới đang trong xu hướng giảm khiến giá xăng dầu trong nước đã giảm lần thứ 9 liên tiếp đã khiến chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh 2,93% so với tháng trước.
Cũng do ảnh hưởng giá tiếp từ giá dầu thô thế giới, giá gas bán lẻ trong nước đã đồng loạt giảm 40 nghìn đồng/bình 12 kg từ ngày 1/11 là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt giảm 0,84% so với tháng trước. Các đợt giảm giá dầu hỏa vào các ngày 23/10 và 7/11 cũng góp phần vào mức giảm trên.
Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm tốc liên tục và khá mạnh từ mức đỉnh 0,38% trong tháng 8 đến mức âm 0,11% trong đó các mặt hàng thực phẩm đã phản ánh rõ nét xu hướng giảm giá khi cũng giảm tốc liên tiếp từ mức 0,66% về mức âm 0,16% trong tháng này.
Cũng trong cùng xu hướng, giá các mặt hàng lương thực cũng đã giảm 0,03% so với tháng trước.
Nguồn cung gạo dồi dào trong khi giá lương thực thế giới đang trong xu hướng giảm khiến giá gạo bán lẻ quay đầu giảm nhẹ 0,03% so với tháng trước.
Ở phía các nhóm hàng tăng giá, đáng kể nhất là mức tăng 0,36% của nhóm may mặc do thời tiết Thủ đô đã bắt đầu lạnh, nhu cầu mua sắm quần áo rét tăng lên đáng kể so với trước.
Các nhóm hàng khác dao động nhẹ, riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giữ giá so với tháng trước.
Trong tháng hai mặt hàng đặc biệt là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức giảm 1,12% và tăng 0,21% so với tháng trước.
Theo chinhphu.vn