Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính chung cả năm 2023, lãi suất huy động đã giảm bình quân 2,5 - 3,0 điểm % so với đầu năm. So với giai đoạn COVID-19, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng đang thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm, nhưng lại tương đồng ở kỳ hạn 6-9 tháng.
Còn theo báo cáo chiến lược mới nhất của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), so với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống giảm từ 2 - 2,9 điểm %, tùy từng kỳ hạn.
Với diễn biến này, VCBS cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước địch COVID-19 và còn ít dư địa để giảm thêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) phân tích, lãi suất đầu vào có khả năng tiếp tục tạo đáy trong quý I/2024 và sau đó khó có khả năng giảm thêm, chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024.
Trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng tích cực hơn ở mức 6 - 7%, đầu tư và tiêu dùng đều khởi sắc trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu sử dụng vốn sẽ quay trở cân bằng với tình trạng dư thừa thanh khoản hiện nay. Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 13 - 14%.
"Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 0,25 - 0,5 điểm %, quay về mức 5,25 - 5,5% trong năm 2024", MBS cho biết.
Ngày 25/12/2023, Vietcombank đưa lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục là 1,9%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi 1-2 tháng. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định: “Với mức lãi suất tiền gửi dưới 2%/năm thì tôi cho rằng lãi suất huy động đã chạm đáy, không thể xuống thấp hơn được nữa".
Vị chuyên gia cũng nhận định, sau khi tạo "đáy", lãi suất huy động sẽ từ từ tăng trở lại và quay về mức khoảng 5%/năm trong quý I/2024.
Dự báo về mặt bằng lãi suất trong năm 2024, ông Thịnh cho rằng, về mặt nguyên tắc, mặt bằng lãi suất sẽ giữ mức ổn định. Lãi suất cho vay có thể giảm thêm một chút, với thời điểm cụ thể là vào khoảng tháng 2-3/2024. Nguyên nhân là do lãi suất huy động hiện đang rất thấp, là cơ sở để lãi suất cho vay điều chỉnh.
Lý giải việc lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm ngay, ông Thịnh cho biết, vì tiền trong ngân hàng để cho vay hiện tại là những khoản đã từng huy động ở mức lãi suất cao. Khi nguồn tiền trong ngân hàng (huy động với lãi suất cao) cho vay hết thì sẽ sử dụng đến nguồn tiền huy động với lãi suất thấp. Lúc này, lãi suất cho vay cũng giảm theo. Do đó, lãi suất cho vay trong khoảng thời gian đầu năm 2024 được dự báo giảm nhẹ.
Trong khi đó, VCBS thì kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1 - 1,5 điểm % trong năm sau. Trong đó, các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, việc biên lãi thuần (NIM) đang trong đà giảm và nợ xấu có xu hướng tăng được dự báo sẽ khiến các nhà băng có xu hướng thận trọng hơn trong việc cho vay. Do vậy, VCBS cho rằng sẽ có sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân ghi nhận lãi suất cho vay giảm mạnh hơn nhóm ngân hàng quốc doanh do các khoản vay chậm trả tăng nhanh hơn, cũng như các nhà băng này tự giảm lãi suất để hút khách hàng.
VCBS dự kiến lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng tư nhân sẽ cải thiện trong thời gian tới khi khách hàng quay lại trả nợ.
Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng Giám đốc ABBank dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ giảm thêm, còn lãi suất cho vay sẽ giảm khoảng 1 - 1,5%/năm trong các tháng tiếp theo.
Nhưng theo ông Hiếu, lãi suất cũng chỉ là một khía cạnh để kích cầu tín dụng, rất cần đến các trợ lực khác. Đó là chính sách tài khóa, chính sách đầu tư, thương mại, bao gồm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 9,15%, cao hơn nhiều mức tăng 7% trong 10 tháng 2023. Tính đến ngày 20/12, tín dụng tiếp tục cải thiện lên mức 10,85% so với cuối năm 2022. Như vậy, trong khoảng gần 1,5 tháng, quy mô tín dụng của nền kinh tế đã tăng thêm khoảng 410.000 tỷ đồng.
Với quy mô mở rộng tín dụng quý IV/2023, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 ước đạt 11-12%, tỷ lệ tín dụng/GDP tính đến cuối năm 2023 ước khoảng 128%, cao hơn mức 125% tại thời điểm cuối năm 2022. |
Theo VTC.vn