Những ngày qua, các nhà vườn trồng sầu riêng tại cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vô cùng lo lắng vì sầu riêng loại 1 bán cho thương lái chỉ còn 40.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với thời điểm chính vụ. Tại nhiều vườn sầu riêng, trái chín rụng khắp nơi, người dân thu gom chất đống trong nhà nhưng có rất ít thương lái đến hỏi mua. Tình trạng này trái ngược hẳn so với mọi năm, thương lái chủ động tìm đến đặt cọc cả tháng trước khi thu hoạch, đến ngày giờ là họ cho người đến phân loại và chở, xuất bán sang Trung Quốc.
Ông Lê Văn Hưu, chủ một vườn sầu riêng tại huyện Vũng Liêm, cho biết: "Vườn nhà tôi còn hơn 15 tấn sầu riêng sắp thu hoạch. Nếu bán với giá 30.000-40.000 đồng/kg thì cầm chắc lỗ vì sầu riêng nghịch vụ tốn rất nhiều công chăm sóc để cây ra trái. Còn nếu bán lẻ cũng chẳng được bao nhiêu vì sầu riêng rất nhanh chín và dễ hỏng, không để lâu được".
Tuy vậy, để vớt vát chút vốn liếng và công chăm sóc, nhiều nhà vườn đã mang sầu riêng ra đường để bán cho khách vãng lai, bán rẻ cho các tiểu thương ở chợ hoặc đưa lên mạng. Ngày 1-12, dọc Quốc lộ 60, đoạn thuộc tỉnh Bến Tre, phóng viên ghi nhận khá nhiều điểm bán sầu riêng với giá chỉ 50.000-60.000 đồng/kg. Còn trên tuyến Quốc lộ 1 qua 2 huyện Cai Lậy, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhiều người treo bảng bán sầu riêng với giá chỉ 30.000 đồng/kg, trái khá to và đẹp.
Trong khi đó, anh Ngọc Lê Trí (33 tuổi; ngụ huyện Cai Lậy) đã chủ động liên hệ nhiều điểm kinh doanh sầu riêng trong tỉnh cũng như một số cửa hàng ở TP HCM để bỏ mối. Ngoài ra, anh Trí còn nhận đặt hàng trên mạng rồi chở sầu riêng lên cho người thân ở TP HCM đi giao cho khách lẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, tình trạng ùn ứ nông sản đã diễn ra từ nửa tháng trước vì Trung Quốc siết chặt nhập khẩu sầu riêng Việt Nam. Ông Võ Kiều Khanh, chủ một doanh nghiệp vận tải xe container, cho biết mấy tuần nay, xe chở sầu riêng đến cửa khẩu đều phải nằm lại, không xuất được.
Theo ông Khanh, sầu riêng bị gặp khó khăn là do lâu nay chúng ta xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, không chứng minh được nguồn gốc, thương hiệu. Ngoài ra, sầu riêng trồng tại Việt Nam nhưng khi sang Trung Quốc lại dán nhãn Thái Lan cho dễ bán, dẫn đến việc bị cấm nhập.
Ông T.V.C, giám đốc một doanh nghiệp tại TP HCM chuyên xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, cho biết sầu riêng chưa có trong danh sách mặt hàng được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên công ty không thu mua. "Nhiều đồng nghiệp của tôi chuyên đi hàng tiểu ngạch sang Trung Quốc bị thiệt hại nặng vì không thể xuất khẩu như trước. Hàng tươi bị giảm giá trị rất nhanh trong khi tiền mua sầu riêng thì đã trả cho nông dân. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc. Khi chưa mở được thị trường cần thông báo rộng rãi để nông dân biết chủ động sản xuất" - ông C. bộc bạch.
Hiện Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre là 3 tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ĐBSCL với khoảng 15.000 ha, sản lượng trung bình mỗi năm hơn 70.000 tấn. Trước tình trạng đầu ra của sầu riêng đang gặp khó khăn, tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị các cơ quan trung ương có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong xuất khẩu nhằm giúp nông dân ổn định trong canh tác.
Sầu riêng về TP HCM tăng khoảng 20%
Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM) xác nhận lượng sầu riêng về chợ những ngày gần đây nhiều hơn bình thường, giá giảm do xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn.
Tuy nhiên, lượng hàng tại chợ chỉ tăng khoảng 20% do thương nhân tăng sản lượng theo sức mua, không lấy hàng theo khả năng cung ứng của nhà vườn. Sầu riêng về chợ chủ yếu là hàng loại 2 có nguồn từ tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre. Còn sầu riêng loại 1 để xuất khẩu hoặc bán tại các cửa hàng trái cây cao cấp. Sầu riêng là mặt hàng khá kén khách, cũng không phải là hàng chủ lực nên ít tác động đến hoạt động kinh doanh tại chợ.
Nguồn NLĐ