Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam và thế giới, định hướng tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón do Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đồng tổ chức ngày 12/10 ở Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương và Bộ NNN&PTNT sẽ phối hợp xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để có thể sàng lọc những đơn vị đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ xây dựng lại Nghị định sửa đổi về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón và dự kiến báo cáo Chính phủ trong năm 2015.
"Hai bộ sẽ rà soát lại các ý kiến của doanh nghiệp để có điều chỉnh chính sách trong thời gian tới, nhằm giảm hiện trạng phân bón giả, kém chất lượng và đưa ngành phân bón hoạt động tốt nhất", Thứ trưởng cho hay.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ rà soát lại các doanh nghiệp phân bón trên cả nước để thực hiện cấp giấy phép. "Cho tới thời điểm này, cơ quan quản lý nhận được 80 hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp, và đã cấp giấy phép cho 5 doanh nghiệp. Bộ Công Thương cam kết sẽ rà soát lại các quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép cho các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón. Do đó, các doanh nghiệp đủ điều kiện, năng lực mới có thể tồn tại được", Thứ trưởng nói.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty Công nông nghiệp Tiến Nông cho rằng cần xem xét lại số lượng 1000 đơn vị sản xuất phân bón. Vì với mỗi đơn vị có 10 sản phẩm và nhãn mác, thị trường phân bón sẽ có tới 10.000 mẫu sản phẩm phân bón. Nhưng thực tế, chỉ cần 300 đơn vị sản xuất cũng sẽ đủ đảm bảo nhu cầu trong nước.
Theo đó, ông Phong kiến nghị thủ tục nên đi trước và hoạt động thương mại nên đi sau. '"Cơ quan chức năng nên công bố các nhãn mác trên mạng Internet để người tiêu dùng có thể tự kiểm tra, phân biệt sản phẩm phân bón thật. Mặt khác, cơ quan quản lý nên đưa ra quy đinh vốn điều lệ tối thiểu đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón khoảng trên 30 tỷ đồng". Ngoài ra, ông Phong kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị phân bón đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) cho hay, thực trạng sản xuất phân bón giả hiện nay đáng báo động và thị trường phân bón vẫn còn bỏ ngỏ. Trong một năm qua cơ quan này đã phát hiện và bắt giữ 4.000 vụ sản xuất kinh doanh phân bón giả, nhưng số lượng khởi tố chỉ 10 vụ. Trong đó, có những vụ các lực lượng chức năng đã làm việc bài bản, nhưng vướng trong quá trình xử lý.
"Hiện nay, cả nước có khoảng 16.000 cơ sở doanh nghiệp, công ty, kinh doanh và sản xuất phân bón. Trong đó, có 1.000 cơ sở chuyên sản xuất phân bón. Tuy nhiên, trong một năm các bộ quản lý chỉ kiểm tra rà soát được 7 tỉnh thành trên cả nước", ông Cẩn nói.
Theo Huyền Thương/Vinanet